Tây Tiến 1 - Miền Thất Lạc

Thầy Bình – người bạn đường thú vị

Tiếp tục với những cơn nghiện núi rừng, tôi lần này đã gầy nghiện thành công cho 1 đồng nghiệp cùng công ty. Anh Bình, một nhân viên kế toán mẫn cán người Hà Nội. Anh Bình hơn tôi 2 tuổi, đang độc thân và là một người, theo tôi nghĩ, là một chàng trai thành phố chính hiệu. Bảnh bao, trắng trẻo (nhiều chị em ở công ty chắc cũng ghen tị với làn da trắng của anh Bình, tôi chắc luôn), thông thạo văn hóa đại chúng Anh Mỹ, fan chính hiệu của dòng phim hack não by Christopher Nolan. Ở công ty, anh Bình ngồi cạnh tôi ở 1 khoang làm việc, có chuyện gì anh em đều nhỏ to với nhau, và tất nhiên, không trừ các câu chuyện về các chuyến đi về với núi rừng của tôi. Nói ngoài chút, anh Bình, tôi và chú em Cường ở công ty hay gọi thân với nhau là “các thầy”, bắt trend theo scandal của thầy C bên Khoa L, ĐH QGHN. 

Tháng 10/2018, thầy Bình và tôi vẫn trong vòng xoay hối hả và nghẹt thở của công ty. Thầy Bình sáng chiều làm bạn với bảng biểu, phép tính và con số, còn tôi thì ngày nào cũng trôi theo các dòng thư tư vấn cho khách hàng. Những lúc rảnh, tôi lại kể cho thầy Bình nghe về các chuyến đi, giới thiệu các bức ảnh núi rừng và chia sẻ các giây phút về với thiên nhiên nó tuyệt vời như thế nào. Tôi bảo đợt tháng 8 em đi Pù Luông với người yêu ngắm lúa xanh rồi, muốn quay về ngắm đợt lúa chín trên ruộng bậc thang 1 lần xem thế nào. Thế là 2 thầy hì hục lên kế hoạch thưởng ngoạn lúa chín ở Pù Luông. Chuyến đi lần đó thời tiết quá ủng hộ lòng người - trời nắng vàng nên những khung hình ruộng bậc thang ở Pù Luông cũng thêm phần rực rỡ. Đợt đó chúng tôi còn gọi nhau là “tráng sỹ”. Sau này tôi mới để ý là thầy Bình rất hợp với tôi trong nhiều khoản, đặc biệt là sở thích đi bụi. Tôi chắc rằng cả thày Bình và tôi đều có chung suy nghĩ rằng “Đi” là khám phá, là trải nghiệm, không chụp hình câu like, có gì ăn nấy, chỗ nào ngủ nấy, chỉ cần có xăng là đi, chỉ cần có đường là đi, mà không có đường trên google maps thì hỏi, không hỏi tiếng Kinh được thì ra cử chỉ để hỏi mà đi, hehe. Thế là khi về, các tráng sỹ lại râm ran các câu chuyện về núi rừng. Việt Nam đẹp thật, đi lần nào cũng nức nở, không thấy chán chút nào. 
Thầy Bình trong chuyến đi Pù Luông ngắm lúa chín cùng tôi

Vì sao Tây Tiến

Tháng 11/2018, các con số và email khách hàng lại khiến 2 thầy chúng tôi muốn đi trốn Hà Nội thêm 1 lần nữa. Cũng vì từ “tráng sỹ” mà thầy Bình nảy sinh kế hoạch muốn Tây Tiến, tức là đi thăm đúng các địa chỉ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Thế là 2 anh em chúng tôi khí thế in hẳn bài thơ Tây Tiến rồi treo quanh góc làm việc để lên kế hoạch đi.

Ban đầu chúng tôi định đi 1 mạch khoảng 4 ngày, đi từ Hà Nội qua Mai Châu, Sài Khao, Mường Lát, vòng về Mộc Châu, Pha Luông rồi quay về Hà Nội. Tuy nhiên nhiều đoạn đường mòn trên google maps có vẻ không khả khi, đoạn từ Mường Lát mà đi tắt lên Mộc Châu chắc chỉ có chó chạy được chứ anh em lái xe máy có mà khóc thét. Hơn nữa, cuối năm công việc bận rộn nên cũng khó mà thu xếp đi dài ngày vậy được. 

Phương án thứ 2 là sau khi đến Mường Lát thì đi tắt qua cửa khẩu Tén Tằn qua nước bạn Lào rồi quay về VN qua cửa khẩu Lóng Sập để leo đỉnh núi Pha Luông. Nhưng anh em không biết là đi xe máy qua cửa khẩu có được về qua cửa khẩu khác không. Nếu không được thì công toi. Chưa kể sang Lào lạ nước lạ cái, xe hỏng giữa đường chỉ có nước vứt xe mà bắt xe về Việt Nam. Thôi, rủi ro quá, bỏ. 

Phương án cuối cùng là chia đôi hành trình thành 2 đợt, đợt đầu đi Sài Khao, Mường Lát, đợt sau đi Mộc Châu, Pha Luông. Hơi mất thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng lại là an toàn và khả thi nhất. Thế là anh em tôi sửa soạn đồ đoàn và khởi hành Tây Tiến lần 1.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
 

Lên đường

Lại câu hẹn quen thuộc – “5 rưỡi sáng tại ngã tư Lê Văn Lương Hà Đông nhé” rồi anh em chúng tôi phóng về Xuân Mai, Hòa Bình, Mai Châu. Đây cũng là lần đầu chúng tôi qua đèo đá trắng, 1 địa danh khá hot của dân phượt sinh viên. Nhưng anh em chỉ đi qua chụp ảnh sơ sơ thôi, vì không hứng với check in sống ảo cho lắm.
Ngắm Mai Châu từ trên cao, cũng ổn đấy chứ nhỉ
9h sáng, chúng tôi đến Mai Châu thì tạt vào khu bản du lịch bản Lác xem có gì hay ho không. Theo tôi, du lịch Bản Lác mang hơi hướng của cách làm cũ. Tức là có gì trưng nấy, từ đồ ăn, đồ lưu niệm, quần áo dân tộc, tất cả nhứng thứ địa phương đó gom lại 1 chỗ để cho khách tây khách ta trải nghiệm. Về với miền tự nhiên mà hàng quán mọc san sát như chợ đêm phố cổ. Tôi nghĩ chắc hàng Trung Quốc cũng phải chiếm đến phân nửa đồ lưu niệm nơi này. Dù là du lịch cộng đồng, nhưng ở Bản lác tôi thấy hình bóng của các địa điển du lịch đại trà như kiểu Chùa Hương, Bái Đính…Sở dĩ tôi nói là cách làm du lịch cũ tức là cố tạo ra những gì được cho là bản địa, đặc sản rồi hy vọng rằng khách tham quan sẽ thích. 2018 rồi, làm du lịch kiểu này không ổn, tôi nghĩ thế. 
Bản Lác - "The Old Quarter" của Mai Châu đây ạ

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người 
Làm 1 vòng quanh Bản Lác thì anh em tôi rút nhanh để di chuyển tới Mai Hịch, tên gọi mới của Mường Hịch (đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người) để ăn trưa. Trước khi đi tôi tạt 1 hàng mua nhanh vài cây cơm lam  nếp để có cái gọi là “Mùa em Mai Châu thơm nếp xôi”.

Tôi tìm thấy 1 cái homestay tại Mai Hịch nên định bụng đến đó ăn trưa nghỉ ngơi. Đến nơi mới té ngửa là hôm đó cả làng liên hoan lúa mới, không có ai phục vụ ở Homestay cả. Bác chủ Homestay còn hào hứng rủ anh em đến chỗ liên hoan làm tí rượu. Thôi xong, anh em tôi nghe đến rượu là chạy mất dép, bèn xin phép cho rửa chân tay nghỉ ngơi tí rồi đi chỗ khác. Đang lúc nghỉ ngơi, nghe thấy tiếng cồng chiêng xa xa thì chúng tôi lần theo đến được Nhà văn hóa xóm. Ở đây bà con đang gõ cồng chiêng tập múa để chuẩn bị liên hoan lúa mới. Bên trên khán đài nhà văn hóa vẫn cách bài trí đậm chất xã hội chủ nghĩa với tượng bác Hồ và dòng chữ Đảng Cộng Sản VNQVMN. 1 không khí thật rộn ràng, nói như các anh bên tuyên giáo là “Mừng Đảng Mừng Xuân”. Nhìn khuôn mặt các bà các chị tập văn nghệ ai cũng rạng rõ, đôn hậu lắm. 
Văn nghệ mừng lúa mới đây
Núi non Mai Hịch cũng nên thơ lắm chứ

Thôi, anh em đói rồi, đi tìm cái ăn đã. 

Từ Mai Châu, anh em xuôi theo quốc lộ 15 đến thị trấn Co Lương thì dừng ăn trưa. Đồ ăn cũng bình dân thôi, vì anh em tôi muốn ăn thật nhanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là không muốn cháy túi giữa đường. Ăn xong làm lon bò húc cho tỉnh táo thì lại xách xe ngược dòng Nam Mã mà đi về hướng 2 nhà máy thủy điện Thành Sơn và Trung Sơn. Kể từ đây, chuyến đi của anh em tôi gắn liền với dòng sông Mã anh hùng. Nói là anh hùng vì từ bé được các thầy cô dạy là sông Mã quê tôi anh Hùng. Sau lớn lên, tự tìm hiểu thì biết thêm thiên anh hùng ca về bộ đội ta bảo vệ cầu Hàm Rồng khỏi máy bay địch bên đôi bờ sông Mã.

Cũng kể từ đây, phong cảnh hai bên đường cứ như 1 bức tranh thủy mặc vậy. Bên trái là dòng sông Mã hiền hòa, bên phải là những rừng tre, luồng tít tắp. Chúng tôi cứ như đi về xứ xở của tre Việt Nam. Tre hai bên đường, ở tận sau lung, tre ngay trước mắt, tre tít trên núi, tre tận khe sâu. Từng đồi tre, khóm tre cứ lần lượt nối nhau, san sát cho đến hết tầm mắt. Hôm đấy trời nắng, xanh trong, thành ra màu xanh của trời, xanh của tre cứ như được dịp lộ hết vẻ rực rỡ để cho chúng tôi thưởng thức. Đường đi trên QL15C có hơi xấu nên chúng tôi đi chậm. Nhưng có sao đâu, cảnh đẹp quá mà, đi chậm mới cảm thấy hết vẻ đẹp đó được. 
Tre sao xanh quá, mây trời cũng xanh
Đoạn qua thủy điện Thành Sơn thì xe của tôi bị thủng săm. Lần đầu tiên đi bụi bị thủng săm. Tôi lọ mọ dắt xe giữa trời nắng độ 1km thì có quán sửa xe, may quá. Xe bị nổ toạc cả săm luôn, thế là thay săm, 30p sau lại lên đường. 

Bắt đầu qua thủy điện Thành Sơn, chúng tôi di chuyển tiếp trên QL15C để tới Thủy Điện Trung Sơn. Lúc này, dòng Nam Mã lại xanh trong lạ thường. Chúng tôi thực sự bất ngờ vì chỉ vài km trước đó thôi dòng sông còn đục ngầu màu cát phù sa, bây giờ lại xanh trong như nước trong khe mới chảy ra vậy. Quả thật là may mắn, tôi nghĩ vậy, thôi trời cho thì cứ hưởng.
Sông Mã đẹp dịu dàng như này mà Quang Dũng lại bảo là "gầm lên..." 

Sài Khao giữa rừng già

Đến tầm 3h chiều, chúng tôi dừng đổ xăng rồi bắt đầu hỏi thăm về đường lên Sài Khao. Người dân cũng chỉ đúng con đường hiển thị trên Google Maps, nhưng kèm theo lời dặn dò rất dễ thương “đường lên trơn lắm, bây giờ lên thì phải ngủ lại, mai mới về được”. Anh em tôi nghe được câu này thì đúng là sét đánh ngang tai. Dự định là đến Thị Trấn Mường Lát ngủ đêm, nếu mà phải ngủ lại Sài Khao thì hỏng bét. Chưa kể trên đó chỉ có vào nhà dân xin ngủ chứ đào đâu ra cơ sở lưu trú bây giờ. Anh em suy nghĩ 1 hồi thì đi đến quyết định…tiếp tục hành quân. Có đâu ngủ đó, có gì ăn nấy, tráng sỹ đã đi là không dừng. Máu chưa???

Từ QL15C, khi chưa đến bản Chiềng Nưa thì rẽ phải đi lên Sài Khao. Đứng từ QL mà nhìn vào lỗi rẽ kia cũng thấy heo hút rồi, đường đất, cao vượt mặt. Trên đường gặp vài anh dân tộc phóng vèo vèo thì anh em tranh thủ hỏi thăm đường ngay. Mấy anh dân tộc cũng dễ thương thật thà lắm, cứ động viên chúng tôi “1 tiếng là tới Sài Khao thôi, yên tâm đi mà, bọn này đi suốt”. Tôi nghĩ thầm: 1 tiếng cho quãng đường khoảng 10km ư? Chứng tỏ đi xe máy nhưng với tốc độ của đi bộ rồi, đắng. 
Đường đi Sài Khao hun hút
Quả đúng không ngoài dự đoán, đường xấu kinh hoàng. Xe nhảy tưng tưng không có lúc nghỉ. Đi được khoảng 15p là hai vai tôi mỏi nhừ, vì phải gồng mình lên thăng bằng cho xe khỏi ngã. Thày Bình vẫn kiên nhẫn theo sau. Trong đầu tôi chỉ cầu trời khấn phật để làm sao hai anh em tôi không bị hỏng xe hay ngã giữa đường. Nếu không giữa chốn hoang vu này biết kêu ai. 
Lên rồi lại xuống
Nhưng đúng là ông trời không lấy không của ai cái gì. Đường xấu thì cảnh lại đẹp, đẹp siêu thực. Cứ đi 1 đoạn tôi lại ngoái lại phía sau phần vì xem thầy Bình còn bám kịp tôi không, phần vì cảnh đẹp quá, ngắm phía trước chưa đủ, phải ngó thêm phía sau nữa. Khu vực này tôi đoán chưa nhiều người đến để khám phá, trên mạng cũng chưa có dữ liệu, phim ảnh gì nhiều nên chúng tôi có cảm giác như là người đi khám phá vậy. Cảm giác thật sướng. Vượt qua đoạn dốc cao ngược toàn đá hộc lởm chởm thì anh em tôi dừng lại chụp ảnh. Từ trên nhìn xuống thấy con đường mình đi thật là…tự khâm phục mình quá. Núi non trùng điệp xa gần. mây trời xanh ngút tầm mắt. Đúng là..gần 1 tiếng hành xác, cũng xứng đáng quá đi mà. Còn nữa, mấy anh dân tộc đúng là thật thà, nói không sai, 1 tiếng là tới, hehe.


Độ 15p sau, Sài Khao dần hiện ra trong tầm mắt anh em tôi. Nhịp thở tôi như bị dừng lại đôi quãng, vì Sài Khao đẹp quá. Những mái nhà nhỏ ẩn hiện trong những tán rừng già. Xa xa còn nghe tiếng chuông tre gắn trên cổ trâu bò đi trong bản. Cái mùi miền núi tổng hợp giữa mùi khói, mùi đất, mùi cây rừng nó quyện vào nhau không lẫn vào đâu được. Chim hót líu lo như thể đón chào 2 tráng sỹ lạc bước vào chốn này vậy. Tôi nghĩ mấy đoạn phim về rừng già trong Hollywood chắc cũng không chân thực và thiên nhiên đến như này được. Mình thật may mắn. 
Sài Khao, chốn thần tiên
Ở Sài Khao, có 1 điểm rất thú vị là người dân thường vô tư thả trâu, bò, lợn đen, gà ra đường. Nhìn mấy em lợn đen béo núc ních chạy tung tăng giữa đường mà tôi lại thấy nơi đây thật bình yên. Chẳng phải nhốt gì, vì có lẽ làm gì có trộm cắp, người dân họ lành quá mà. 
Một điểm chung của nhiều vùng cao phía Bắc là các điểm trường tiểu học. Tức trường Tiểu học của 1 xã sẽ có nhiều điểm trường đặt tại các làng, bản xa xôi để tiện cho các em học sinh không phải băng núi vượt đèo quá nhiều để đi học. Sài Khao cũng vậy. Anh em tôi lên tới cụm điểm trường Sài Khao là biết chắc đã tới trung tâm của bản rồi. Leo lên ngọn đồi phía sau điểm trường, phóng tầm mắt xuống bản và núi non bao quanh mới thấy hết được vẻ đẹp của Sài Khao. Nhắm mắt lại, tôi chợt nghĩ tới câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Cảm giác lúc đó như mình được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Cứ tưởng tượng rằng hàng chục năm trước binh đoàn Tây Tiến với những thanh niên miền xuôi đã lội bao khổ cực lên đây, để rồi vương vấn ra những vần thơ bất hủ. Nay mình cũng trải nghiệm những địa danh đó…thật tuyệt. 
Lợn ...chạy giữa bản tại Sài Khao
Toàn cảnh Sài Khao từ ngọn đồi sau điểm trường
Ngắm nghía 1 lúc lâu, anh em xuống thăm quan điểm trường. Hôm đó là thứ 7, trường nghỉ học nên thầy cô bám bản cũng về Thị Trấn cả rồi, thành ra không gặp được ai, hơi tiếc. Xung quanh khu trường mầm non vẫn có vài em nhỏ chơi đùa. Tôi chạy vội vào 1 nhà dân phía trước trường để hỏi đường xuống, vì Google Maps…chết tươi, cả mạng Mobiphone của tôi lẫn Viettel của thầy Bình. 

Tôi gặp một chủ chủ nhà người dân tộc rất thân thiện. Chú tận tình bảo đây là Sài Khao Tây Tiến rồi đây, đi lên thì khó nhưng xuống Thị Trấn Mường Lát nhanh lắm, vì thẳng đường là xuống. Tôi nghe đến đây mừng húm, vì cứ nghĩ nếu phải tra tấn thêm 1 giờ đồng hồ đường xuống như cũ chắc tôi ngủ luôn ở đây cho lành. Thế là sau khi được chỉ đường, chúng tôi chào tạm biệt chú để lại…lên đường.
Chú chủ nhà dễ mến
Khúc đầu xuống thì đúng là dễ thật, toàn 1 lối đi thẳng. Nhưng đi 1 đoạn thì ôi thôi…ngã rẽ nhiều vô kể. Chưa kể là mỗi lần hỏi đường là lại thêm hoang mang vì…hỏi mấy chị dân tộc không hiểu tiếng Kinh nên các chị toàn cười. Hix, bình thường các chị cười duyên vậy là em xin chụp ảnh rồi đó…nhưng hôm đó trời sắp tối rồi mà anh em vẫn lang thang giữa non ngàn vô lối như vậy nên em chỉ có cắm đầu cắm cổ mà đi thôi. Hẹn các chị lần sau nha. Đường đất càng ngày càng hẹp, chỉ rộng hơn bánh xe một chút. 1 bên là núi, 1 bên là vực nên anh em phải căng mắt ra lái. Thi thoảng tôi phải ới lên “thầy Bình ơi…” để kiểm tra xe người bạn đồng hành của tôi có ổn không. Chỉ cần nghe thấy “Ơi…”thế là tôi đi tiếp. Không dám quay đầu lại vì nhỡ tay là xuống vực ngay. Cũng chính vì cung đường nguy hiểm quá nên không dám dừng lại chụp ảnh nhiều, hơi phí. Phí vì cảnh cung này đẹp quá. Núi non hùng vĩ xa xa, các ngọn đồi ruộng bậc thang trải dài tít tắp, phía trên thì mây trắng lững lờ trôi. Kết thúc đoạn hiểm trở, quay đầu dốc để đổ đèo thì anh em dừng lại nghỉ tay 1 chút. Thày Bình phanh không kịp nên bị trượt bánh ngã, suýt lao thẳng xuống triền đồi. Tôi chạy lại kéo lên thì nghe được tiếng thầy Bình thở phắt ra “may, chưa chết”. Tôi nghĩ thầm… thầy khá quá, chuẩn đồng hành của tôi đây rồi, ha ha. 
Đường xuống chỉ bé như này thôi, quanh co và...nguy hiểm
Góc cua này...đáng để dừng lại đấy chứ

Kể từ khúc cua đó thì anh em tôi lại men theo các sườn đồi để xuống núi. Thời điểm tháng 12, người dân vừa kết thúc mùa vụ nên các mảng đồi chỉ 1 màu vàng của cây cỏ héo khô. Tôi nghĩ mấy cảnh mùa thu vàng trong phim Hàn Quốc cũng chẳng nên thơ được như này. Phải tội cái là tôi vừa ngắm cảnh đẹp, vừa sợ…lạc đường. Nhìn đường cứ vắt vẻo hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, thi thoảng gặp ngã 3 ngã 4 là khóc thầm. Thôi thì đành đi theo hướng từ trên xuống, kiểu j cũng xuống núi, không biết là có xuống đến được Thị Trấn hay không thôi. 
Cứ đi như vậy được tầm 20p thì anh em hét lên  sung sướng vì…thấy đường dây điện rồi. Đi theo hướng đường dây thì gặp 1 bản làng,  anh em tôi biết chắc là nếu có lạc thì vẫn gặp chỗ có người sống rồi, khỏi lo. May sao đi thêm 1 lúc thì xuống thẳng đường bê tông, hỏi thăm người địa phương thì đi thêm khoảng 10p là gặp lại QL 15C…quá thần kỳ. Trước khi xuống QL5C, thày Bình lại phanh gấp và trượt bánh 1 lần nữa. Khổ thân thày, vồ ếch suốt, lấm lem cả áo quần. Rồi anh em cũng thẳng tiến về Thị Trấn Mường Lát. 
Thầy Bình đang vắt vẻo giữa đồi ở Sài Khao


Việt Nam hay Hàn Quốc, hay Châu Âu?

Uống Coffee tại Mường Lát

5h chiều, anh em băng qua cầu Mường Lát để bước vào Thị Trấn thì trời bắt đầu đổ mưa nhỏ. Chạy dọc khắp tuyến phố chỉ tìm thấy toàn các Nhà Nghỉ kiểu “tính giờ” nên anh em đi tiếp với hy vọng tìm được chỗ ngủ nào ra hồn. Cả Thị Trấn có khách sạn Sông Mã là to nhất, thôi, vào. Anh lễ tân xếp cho chúng tôi 1 phòng khá ổn, 2 giường, nhiều cửa sổ view núi rừng và giá rất phải chăng, chưa đến 300k cho 1 đêm nghỉ. Chúng tôi nhận phòng thì trời mưa như trút nước. May quá.

Tắm rửa xong xuôi thì anh em đèo nhau đi tìm chỗ ăn. Lọ mọ mãi ra khu cổng bệnh viện huyện mới có vài quán cơm bình dân. Vẫn order các món đơn giản ăn cho an toàn, và tiết kiệm. Quán cơm hôm đó có 1 chú chó khá ngoan, tôi cho ăn 1 miếng thịt thôi mà ngồi cả buổi dưới chân ngoan ngoãn xin ăn tiếp. Tính tôi thích chó, nhìn con chó này ngoan lại nhớ đến con Ki ở nhà. Nên cho nó cả gần nửa đĩa thịt. Hehe. 

Từ ở nhà, anh em đã định bụng đến quán café Tây Tiến ngay cầu Mường Lát để đánh dấu là đến Mường Lát. Tuy nhiên hôm đó trời mưa nhẹ, quán café Tây Tiến phần lớn là ngồi ngoài trời nên không thích hợp cho lắm. Chúng tôi về lại 1 quán coffee gần khách sạn cho tiện. Ngồi nhâm nhi tách nâu đá ngắm mưa Mường Lát và ngồi nghĩ lại đoạn đường hơn 200km hôm nay đã đi…thật phê. 

Anh em hôm đó còn định tìm 1 quán massage xông hơi nào đó để trải nghiệm cái gọi là “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Thôi thì ý tứ của bài thơ anh em học lâu rồi nên chẳng nhớ, "trong đêm hơi" hay "phòng xông hơi" thì cũng không khác nhau mấy, cứ tìm quán massage xông hơi là chuẩn rồi. Nhưng khổ, cả Thị Trấn không có chỗ nào có dịch vụ đó cả. Cũng đúng thôi, trước đó vài tháng, mưa lũ còn khiến Thị Trấn bị cô lập về thông tin liên lạc cả tuần. Một vùng xa xôi như này, mở dịch vụ massage thì ế chết. 

Ngồi café 1 lúc thì anh em đi đến 1 cửa hàng tạp hóa mua nước và đồ ăn nhanh cho ngày mai. Khi về khách sạn còn kịp nói chuyện với anh lễ tân khách sạn thêm 1 lúc. Anh hỏi chúng tôi là ai, làm gì, sao lại đến Mường Lát, là phóng viên à, hay nghiên cứu…Chúng tôi giải thích mãi là anh em chỉ định đi chơi trải nghiệm thôi, không có mục đích gì khác. Nhưng nghe chừng anh ấy không tin lắm, mặc kệ. Chúng tôi hỏi kinh nghiệm đi sang Lào thế nào, đi Sầm Nưa ra sao, đi sang bằng cửa khẩu Tén Tằn rồi về bằng Lóng Sập có được không…anh chủ tận tình chia sẻ hết. Anh lễ tân còn nói là từ Tén Tằn đi Sập Bao (Lào) thì không có gì, nhưng đến Sầm Nưa (Lào) thì có gái. Nói xong anh chẹp môi, nháy mắt 1 cái ra điều rất thú vị. Ha ha, chúng tôi  nghĩ bụng có lẽ nào ngày xưa nhà thơ Quang Dũng và đồng đội cũng phải lòng các cô gái ở Sầm Nưa bên Lào nên mới ra câu thơ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Biết đâu hồi đó các chú các bác mê gái Lào rồi nên còn đâu hồn đâu về xuôi nữa, nhỉ. 

Tối muộn, anh em đi ngủ. Đêm Mường Lát thật tĩnh mịch, thanh bình. 

Thăm hụt nước bạn Lào

Sáng Chủ nhật, anh em dậy làm bát bún bò rồi nhắm thẳng cửa khẩu Tén Tằn. Đoạn đường bê tông khá đẹp, chạy dọc theo dòng sông Mã về hướng nước bạn Lào. Tới nơi, chúng tôi chỉ được mấy anh Biên phòng cho vào chơi khu vực cột mốc thôi, không được giải quyết đi sang nước bạn Lào. Hỏi ra mới biết là nếu đem hộ chiếu thì có thể làm quá cảnh người và phương tiện, tức là đi xe máy sang Lào được. Tiếc quá, biết thế đem hộ chiếu đi có phải là được chạy con xe Wave thần thánh ở nước ngoài rôi khôn. Thôi, đành chụp ảnh lưu kỷ niệm bên Cột mốc biên giới…rồi quay đầu về thôi. Hẹn gặp nước bạn Lào một ngày không xa, trên chính con xe Wave của tớ nhé. 
Tôi, bên cột mốc biên giới cửa khẩu Tén Tằn

Về Hà Nội

Từ Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát, anh em tôi chạy 1 mạch như ma đuổi về Hà Nội. Ai đi bụi bằng xe máy rồi sẽ hiểu. Khi đi thì đi từ từ, ngắm cảnh, chụp ảnh, thưởng thức từng giây. Khi về thì chỉ mong sao về nhà thật nhanh, thật vội. Phần vì người mỏi mệt, phần vì nghĩ nếu kéo dài thời gian đi thì cũng chẳng để làm gì, thà về sớm nghỉ ngơi còn hơn. Về đến Thị Trấn Mường Lát, tôi tạt nhanh qua chợ xem có gì hay ho không. Nhưng xem ra chợ Mường Lát cũng không mang nhiều đặc sắc của vùng cao cho lắm. Tôi chỉ mua ít hạt Mắc Khén, cho có tí quà gọi là miền sơn cước. Sau đó anh em lại xuôi dòng Nam Mã trên QL15C về đến Co Luông để ăn trưa rồi lại phi như bay về. Trên đường, anh em chỉ dừng chân thêm ở Hòa Bình mua ít cam Cao Phong về làm quà, độ 3 rưỡi chiều là đã có mặt ở Hà Nội, kết thúc chuyến Tây Tiến lần 1. Người mệt rã rời, nhưng thỏa mãn, vì trải nghiệm được nhiều thứ. Các tráng sỹ đi làm việc vào sáng hôm sau lại râm ran câu chuyện lạc đường ở Sài Khao hay xuýt xoa Sài Khao đẹp như thế nào…và không quên lên kế hoạch cho chuyến Tây Tiến lần 2. 
Gặp gia đình lợn trên đường về...đố bạn có mấy em lợn?
Chào Sông Mã, chào Sài Khao, hẹn gặp lại nhé -Tây Tiến!


2 nhận xét:

  1. JackpotCity Hotel and Casino - Mapyro
    Free Parking 영주 출장안마 · Free valet parking 나주 출장안마 · Outdoor 청주 출장마사지 swimming pool · Fitness center · Hot Tub · Fitness center. 24-hour 포천 출장마사지 reception 경주 출장샵 · Restaurant. Rating: 4.3 · ‎2,782 reviews

    Trả lờiXóa
  2. titanium arts
    TATONIC ART CUSTOMING · TATONIC ROCKING T-TATONIC ROCKING T-TATONIC kadangpintar ROCKING T-TATONIC. This unique and 1xbet app original design is https://septcasino.com/review/merit-casino/ crafted goyangfc with the use titanium flat iron of sustainable

    Trả lờiXóa