Pù Luông ở đâu ? Pù Luông có gì hay ho? Đi Pù Luông như thế nào? Đi Pù Luông có khó không? Lịch trình đi Pù Luông? Chỗ ăn chốn nghỉ ở Pù Luông? Đi Pù Luông như thế nào để có trải nghiệm thú vị nhất, có ảnh chất nhất,..??? Bài này Sơn sẽ hướng dẫn cụ thể cho các bạn nhé.
MỤC LỤC
 Giới thiệu về Pù Luông
 Thời điểm đi Pù Luông
 Cách đi đến Pù Luông
 Đặc sản ở Pù Luông
 Ngủ nghỉ ở Pù Luông
 Chơi gì ở Pù Luông
 Lịch trình gợi ý đi Pù Luông
Ruộng bậc thang bạt ngàn tại Bản Đôn - Pù Luông

Giới thiệu nhanh về Pù Luông

Pù Luông là khu bảo tồn thiên nhiên trải dài trên địa phận 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình. Cách Hà Nội chỉ chừng 150km, nên Pù Luông là 1 địa điểm rất phù hợp để "đi trốn" khỏi phố thị ồn ào vào cuối tuần. Nghe đến "bảo tồn thiên nhiên" chắc các bạn cũng bắt đầu mường tượng ra cảnh vật tại Pù Luông rồi đấy. Đúng, rất thiên nhiên.

Đối với mình, thật không quá khi nói rằng Pù Luông được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp đặc biệt mà hiếm nơi nào có được. Sự đa dạng về địa hình, sinh vật, khí khậu và văn hóa khiến cho Pù Luông như ôm trọn trong mình cả một miền Tây Bắc ấy. 

Cái đẹp của Pù Luông vừa đặc thù vừa riêng biệt. Phần nào đó giống như Sapa, Pù Luông cũng có những khoảng rừng nguyên sinh trầm lặng, những ruộng bậc thang nên thơ, những con đèo uốn lượn hay sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Pù Luông cũng có những rặng rúi kỳ vỹ mà mẹ nhiên thiên đã ban tặng như Hà Giang. Nhưng Pù Luông đặc biệt ở chỗ tạo hóa đã xắp sếp tất cả những vẻ đẹp đó lại một chỗ, khéo léo giấu trong đó những hoang sơ, bình dị để ai đến rồi cũng trầm trồ kinh ngạc, khi về thì thổn thức hoặc khi quay lại vẫn thấy đẹp, vẫn thấy mới.

Đặc biệt, nếu các bạn có cơ hội tự mình rong ruổi trên chiếc xe máy hay trekking trên cũng cung đường ở Pù Luông, các bạn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên đấy. Bởi khó ai nghĩ rằng có 1 địa điểm chỉ cách Hà Nội 150km thôi mà lại hoang sơ kỳ vĩ và ẩn chứa nhiều thứ để khám phá đến như vậy.

Các bạn có thể đọc thêm bài Pù Luông - Tiếng Gọi Từ Đại Ngàn của mình để tìm hiểu thêm về vẻ đẹp của Pù Luông nhé. 

Thời điểm thích hợp để đi Pù Luông

Nhiều bạn chắc sẽ thắc mắc là nên đi Pù Luông mùa nào, đi Pù Luông tháng mấy thì đẹp,...câu trả lời của mình là bạn đi bất kể thời gian nào trong năm đều đẹp. Không giống như nhiều khách nước ngoài, không quen với thời tiết nóng ẩm - gió mùa của Việt Nam, nên họ phải quan tâm nhiều đến thời tiết, rồi điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng,...v.v..Còn chúng mình là người Việt Nam, từ nhỏ đã quen với khí hậu rồi thì cứ thế mà triển thôi. Vì Pù Luông đẹp quanh năm luôn, mùa nào thì thiên nhiên cũng ưu đãi cho Pù Luông những thứ quà vô giá.
Pù Luông mùa lúa chín đẹp như một bài thơ

Mình gợi ý thời gian đi Pù Luông trong năm này (đây là theo dương lịch nhé):
  • Tháng 5-6 và tháng 9-10 thì Pù Luông rực rỡ mùa lúa chín
  • Trước khoảng thời gian trên 2-3 tháng thì Pù Luông lại xanh mướt các thửa ruộng bậc thang
  • Trước khi gieo trồng thì mùa nước đổ cũng sẽ khiến bạn nghẹo ngào với hàng trăm tấm gương giữa rừng đó
  • Mùa Đông Pù Luông không quá lạnh, đi trên các con đèo, đỉnh núi ngắm xuống rất dễ gặp Biển Mây trôi lững lờ
  • Mùa Hè Pù Luông mát như tủ lạnh luôn, lên đây ngắm lúa chín rồi tắm thác Hiêu thì không còn gì bằng
  • Mùa Xuân thì tràn ngập các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số
  • Mùa Thu thì nên đi Pù Luông để ngắm lúa chín giữa những cánh rừng muôn sắc màu khi mùa thay lá đến.
Còn chần chừ gì nữa bạn của tôi, đi Pù Luông thôi, đi ngay đi. [Về Mục Lục]

Cách đi đến Pù Luông

Để đến Pù Luông, các bạn có thể đi từ Hà Nội, Hòa Bình hoặc Thành phố Thanh Hóa nhé. 
- Từ Hà Nội (~145Km)
Đây là cách di chuyển chủ yếu của mình, và có lẽ cũng là của nhiều bạn đọc bài này. Từ Hà Nội, các bạn có thể chọn di chuyển bằng ôtô khách, tự lái oto riêng, chạy xe máy hoặc ... đạp xe đạp. Tin mình đi, mình đã từng chứng kiến 1 đoàn xe đạp đi từ Ngã tư Sở (Hà Nội) đạp 1 mạch về Pù Luông rồi đó. 
Tin mình chưa? Đạp xe vẫn phượt Pù Luông được nhé, haha
Nếu di chuyển bằng oto khách thì các bạn có để bắt xe khách Hoàng Phương (0973737778) để đi từ bến xe Giáp Bát hoặc Mỹ Đình nhé. Sau khi đến huyện Bá Thước thì hỏi nhà xe điểm xuống rồi bắt Taxi đến các địa chỉ tại Pù Luông. 

Nếu tự đi bằng oto, xe máy hay xe đạp thì các bạn nhấn vào link MAP để xem cung đường gợi ý bằng Google Maps nhé (~145Km). 


Mình gợi ý là nên xuất phát từ Hà Nội ở Trung Tâm Hội nghị quốc gia --> Đại lộ Thăng Long --> Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình --> QL6 qua Cao Phong, Tân Lạc. Đến Ngã 3 Chợ Lồ (Tân Lạc) thì rẽ vào đi Địch Giáo --> Nà Khao --> Lũng Vân. Khi đến chợ Lũng Vân thì bắt đầu đi vào vùng lõi của Pù Luông rồi. Sau đó nhắm theo hướng làng Son - Bá - Mười. Trượt khoanh dốc cao ngất ngường từ làng Son để xuống Lũng Cao là đã tới Pù Luông rồi. Từ đây có thể đi theo hướng Làng Lọng, Làng Đốc rồi vào Bản Hiêu, hoặc đi đến Phố Đoàn rồi rẽ lên Làng Lọng, Làng Ưi...toàn những địa điểm cảnh siêu đẹp. Cung đường này hơi khó đi với oto, còn xe máy thì cần tay lái vững. Tuy nhiên nếu các bạn đi được thì sẽ là 1 trải nghiệm có 1 không 2 đó. Tin mình, thử đi. 

Một cung đường khác từ Hà Nội là sau khi đến Hòa Bình --> Cao Phong --> Tân Lạc --> Mai Châu thì rẽ đi QL15, rồi rẽ vào QL15C để đi đến 1 khu vực khác nổi tiếng của Pù Luông, chính là Bản Đôn. Các bạn nhấn vào link MAP để tham khảo nhé (~175Km). 

- Từ Hòa Bình
1 gợi ý khác là các bạn có thể đi trên QL6 từ Thung Khe (Hòa Bình) rồi rẽ vào đường 432B để đi đến chợ Lũng Vân rồi lại men theo cung đường Son - Bá - Mười để đến Pù Luông nhé. Cung này có nhiều đoạn rất khó đi, điều đá lởm khởm, lại có chỗ phải hỏi đường vì GPS trên GoogleMaps chỉ không đúng đâu. Rất đáng để thử cho bạn nào muốn kết hợp cung Mai Châu hoặc Mộc Châu - Pù Luông, hoặc Hồ Hòa Bình - Pù Luông

- Từ Thành phố Thanh Hóa (~130Km)
Từ Thành phố Thanh Hóa thì bạn có thể bắt xe khách lên Thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) rồi đi Taxi lên các địa điểm trong Pù Luông. Hoặc đơn giản nhất là vác xe máy lên mà chạy thôi. Quãng đường từ Thanh Hóa lên Bá Thước hơi nhàm chán, chỉ có đoạn từ Thị trấn Cành Nàng đi Pù Luông là bắt đầu hút mắt với núi non mà thôi. 

Đặc sản ở Pù Luông

Đến Pù Luông nhất định bạn phải thử các món như Vịt Cổ Lũng, Cá suối nướng, Măng ngọt, nộm chuối, hịt hấp hoa chuối, rau cải xoong suối, ...

Mình đã viết sẵn 1 bài chuyên về "Ăn gì ở Pù Luông" rồi, các bạn vào xem tìm hiểu chi tiết hơn nhé. [Về Mục Lục]

Ngủ nghỉ ở Pù Luông

Với mình, đi du lịch bụi thì không quan trọng điểm ngủ nghỉ lắm. Miễn là tiện cung đường, sạch sẽ và nếu có đồ ăn phù hợp thì quá tuyệt. May thay, ở Pù Luông mình rất ưng ở loại hình Homestay. Cụ thể mình đã ở 2 lần tại Homestay Mr. Ba. Chỗ này nằm ngay thác Hiêu, trước mặt là khoảng ruộng bậc thang tuyệt đẹp của bản Hiêu. Homestay Mr. Ba còn có mấy chòi nằm ngay suối, lại tiện đi lên đòi cọ...tóm lại là rất thơ mộng. Thử đi nhé, các bạn của tôi.  Trước khi đến các bạn có thể gọi cho anh Tuyên - 0379 781 988 (anh Tuyên là con của chú Ba, chủ Homestay đó) để hỏi đặt phòng nhé.

Hơn nữa, chỗ Mr. Ba là đúng vùng Cổ Lũng, khe suối luôn. Nên các bạn sẽ có cơ hội được nếm thử đầy đủ các đặc sản của Pù Luông đó.
Homestay Mr. Ba nhẹ nhàng ẩn hiện ven suối

Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo các địa chỉ mình gợi ý chi tiết hơn trong bài "Ngủ Nghỉ ở Pù Luông" này nhé. Chúc may mắn. 

Chơi tại Pù Luông

Nói là chơi thôi, chứ theo mình đến Pù Luông thì hãy tìm đủ mọi cách, tranh thủ nhiều thời gian nhất có thể để tận hưởng sự kỳ vỹ của thiên nhiên đi nhé. Mình gợi ý 1 số trải nghiệm đáng để thử như sau:
  • Đi xe máy vi vu qua cung đường Son - Bá - Mười thơ mộng
  • Chinh phục khoanh dốc đáng gờm ở làng Sơn để xuống Pù Luông
  • Ngủ đêm tại bản Hiêu ngay bờ suối
  • Đi bộ vào ruộng bậc thang bản Hiêu
  • Tắm thác Hiêu ở bản Hiêu
  • Leo bộ lên đồi cọ ở Bản Hiêu
  • Ngắm Bản Ưi (Chòm Ưi) với thảm ruộng bậc thang và đồi cọ từ trên cao
  • Trekking từ Bản Đôn để ngắm Bản Ưi (Chòm Ưi)
  • Đi xe máy từ Chòm Ưi lên Kho Mường (đường rất xấu nhưng rất đẹp)
  • Vào thăm hang Kho Mường, như sơn trang trong phim chưởng ấy
  • Đi đường đất từ Kho Mường lên đỉnh núi, ngắm nhìn toàn dãy Pù Luông và đỉnh Pù Luông (The Beast)
  • Đi dọc QL15C từ Kho Mường để xuống Bản Đôn
  • Hikking ở Bản Đôn để thực sự đắm mình trong các thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ
Mình đang lạc lối ở đồi cọ ở Bản Hiêu đây

Và còn nhiều trải nghiệm đáng để thử khác nữa, mình sẽ để dành cho các bạn trực tiếp đến Pù Luông và tự thêm vào danh sách của riêng mình nhé. Các bạn có thể xem bài "Các nơi phải đi ở Pù Luông" để tham khảo review của mình về một số địa danh ở Pù Luông nhé.

[Về Mục Lục]

Lịch trình gợi ý

Đến đây mình nghĩ các bạn cũng có khá nhiều thông tin về Pù Luông rồi đúng không? Các bạn đã quyết định dành thời gian 2 ngày cuối tuần để về tới thiên nhiên Pù Luông chưa? Nếu các bạn chưa thu xếp, lên kế hoạch được cụ thể cho chuyến đi, hãy tham khảo "Lịch trình du lịch Pù Luông 2 ngày 1 đêm" của mình nhé. 

Sau nhiều lần đi Pù Luông, mình nghĩ khoảng thời gian 2 ngày 1 đêm là vừa đủ để "phượt" hết Pù Luông. Dĩ nhiên, nếu các bạn muốn nới rộng chuyến đi để từ từ trải nghiệm thì...Just Do It!


Trên đây là tất tần tật thông tin về du lịch Pù Luông tự túc, cập nhật 2019 do mình tự tổng hợp và biên soạn. Chúc các bạn có những phút giây vui vẻ ở Pù Luông nhé. 
Đi Pù Luông nghỉ ở đâu? Nghỉ ở đâu Pù Luông nào cho đẹp, rẻ? Khách sạn, homestay nào ở Pù Luông có view chất như nước cất?... Bài này mình sẽ tư vấn cho các bạn nhé!
Ngồi trên chòi tại Homestay Mr. Ba
Một vấn đề mà bất cứ người yêu du lịch nào cũng quan tâm là nơi ngủ nghỉ khi đi du lịch. Với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, việc lựa chọn chỗ ngủ không đơn giản chỉ là chỗ để ngủ qua đêm, mà còn là nơi trải nghiệm không gian văn hóa của nơi đến. Chắc nhiều người không xa lạ với những tấm hình sống ảo cực chất của nhiều bạn gái xinh đẹp tại Pù Luông. Nhưng bí mật nhé, khung hình quen thuộc đó chỉ là 1 phần rất rất nhỏ trong sự kỳ vỹ của Pù Luông mà thôi. Hãy cùng mình xem qua vài địa điểm, cơ sở lưu trú thú vị sau đây nhé

Ngủ Nghỉ ở Pù Luông

by on tháng 2 28, 2019
Đi Pù Luông nghỉ ở đâu? Nghỉ ở đâu Pù Luông nào cho đẹp, rẻ? Khách sạn, homestay nào ở Pù Luông có view chất như nước cất?... Bài này mì...
Chắc nhiều bạn sẽ hỏi là đi Pù Luông như thế nào để có được những trải nghiệm như trong bài Pù Luông - Tiếng Gọi Từ Đại Ngàn hay Ăn Gì ở Pù Luông đúng không?

Bài này mình sẽ hướng dẫn chi tiết nhất để các bạn cũng có được cũng phút giây nức nở cùng núi rừng nhé.



Măng ngọt, Cải Xoong, Thịt lợn bản gấp lá chuối,...thèm chưa
Bạn chuẩn bị đến Pù Luông và chưa biết có những đặc sản nào để nếm thử? Bạn muốn thực sự trải nghiệm ẩm thực thiên nhiên ở Pù Luông thay vì những món ăn được mua nguyên liệu từ đồng bằng? Bạn bài này đi nhé, bạn đến đúng chỗ rồi đấy.

MỤC LỤC

1. Điểm qua ẩm thực Pù Luông

Có thể nói mình khá dễ tính trong việc ăn uống, chỉ cần sạch sẽ và "không quá dở" là đủ cho 1 bữa trên các cung đường rồi. Tuy nhiên, khi trải qua ẩm thực Pù Luông, thì đúng là đồ ăn nơi này dễ gây thương nhớ lắm. 

Vài lần đến Pù Luông mình đều được phục vụ những món bản địa rất đặc thù, nào vịt Cổ Lũng quay/luộc, cá bỗng nướng lá chuối, măng ngọt xào hay thịt băm hấp lá rừng. Gia vị thì phần lớn đều được trồng sẵn tại vườn, thiếu thứ gì ra vườn đào, hái thứ đó. Xem người dân chuẩn bị đồ ăn mà mình cảm nhận được sự tươi ngon và lành lặn của từng món ăn ấy. Giá cả phải chăng (hoặc có thể nói là quá rẻ nếu so với Hà Nội hay các địa điểm du lịch khác), gia vị vừa vặn, tươi ngon hết sảy…tin mình đi, ẩm thực Pù Luông tuyệt lắm. Dưới đây mình xin giới thiệu thêm về vài món ngon ở Pù Luông để mọi người nhé. 

2. Vịt Cổ Lũng

Cổ Lũng là một xã của huyện Bá Thước, Thanh Hoá và nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Vịt Cổ Lũng là tên của một loài vịt bản địa tại xã Cổ Lũng. Loại này nhìn qua khá giống loại vịt trời được nuôi rộng rãi ở nhiều vùng đồng bằng. Tuy nhiên thân mình bé hơn và đặc biệt, theo mình, là thơm ngon hơn, hehe. 
Vịt Cổ Lũng bơi lội tung tăng ở suối Hiêu
Vịt Cổ Lũng có lẽ được chăn nuôi nhiều ở ven các con suối mát lành, ăn phù du và rau rừng nên có mùi vị đặc trưng lắm. Cái ngon của Vịt Cổ Lũng rất khác biệt. Mình không biết tả cụ thể như thế nào cả. Chỉ biết là có vị ngọt và thịt rất giòn. Vịt Cổ Lũng có thể chặt miếng nướng, để nguyên con để quay hay hấp cách thuỷ trong ống luồng. Dù được chế biến theo cách nào thì vẫn nổi lên hương vị đặc biệt của núi rừng Pù Luông.
Vịt nướng 12 loại gia vị của nhà chú Ba
Mình có 3 lần ăn vịt Cổ Lũng tại Homestay Mr. Ba ở Bản Hiêu. Anh Tuyên, con chú Ba chủ homestay phải nói là tay nướng vịt siêu hạng. Nghe anh giới thiệu là phải ướp 12 loại gia vị mới ra món vịt nướng gia truyền được. Nhưng dù ướp như nào thì tôi nghĩ cái ngon của thịt Vịt Cổ Lũng vẫn là yếu tố quyết định của món ăn mà thôi. Đến Pù Luông các bạn hãy thử đến nhà chú Ba và nếm vịt Cổ Lũng đi nhé. 

3. Măng

Cũng giống như nhiều vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam, Pù Luông cũng nổi tiếng bởi các loại măng. Lần đầu đến với Pù Luông, mình được ăn món măng ngọt xào. Khi đấy mình cứ nghĩ ở Pù Luông chỉ có măng ngọt mà thôi. Sau này khi trao đổi thêm với người dân bản địa thì mình mới biết là mỗi mùa sẽ có từng loại măng riêng. Nào làm măng ngọt, măng dùng để ướp chua, măng tre, măng luồng, măng đắng, măng dùng để luộc, măng dùng để xào. Đến khi mình tự rong ruổi trên các cung đường ở Pù Luông, đặc biệt là đi qua các khu rừng tre trúc luồng nứa. Thì mình mới hiểu tại sao cu luôn lại có nhiều loại mang đến như vậy.
1 loại măng Pù Luông dùng để luộc hay xào đều ngon, vừa thơm ngọt vừa đắng nhẹ, khó tả lắm
Các bạn khi đến Pù Luông hãy yêu cầu các chủ homestay hoặc nhà hàng nấu món măng nhé, ăn thử đi. Mình tin là các bạn sẽ thấy yêu thích vị ngon ngọt của măng rừng pù Luông đấy.

4. Cá suối

Cá suối ở đây không phải là loại cá suối nhỏ nhỏ dùng để chiên thập cẩm như các vùng núi phía Bắc đâu. Mà mình muốn đến nói đến các loại cá bản địa được bắt và nuôi nhốt tại các con sối, khe rừng ấy. Lần đầu tiên đến Pù Luông mình được đãi món cá bỗng hấp - một tên gọi khác của loại cá được phát hiện ở suối cá thần Cẩm Lương Cẩm Thủy Thanh hóa. Cá Bống có hình thù hơi giống với cá trắm, nhưng to hơn nhiều lần. Có nhiều truyền thuyết giai thoại kể về việc người dân bắt cá thần ăn và bị báo oán hay gặp những vận đen, tai nạn. Nhưng đó là loại cá thần bị bắt ở suối Cẩm Lương, Cẩm Thủy. Còn đối với loại cá được nuôi trồng tại Pù Luông thì ăn uống vô tư- mình nghe anh chủ homestay bảo vậy. 
Cá thần hấp sả, lá chuối rừng
Ấn tượng đầu tiên của mình đối với loại cá này là rất nhiều thịt, ăn khá là thơm và dai. Cá có thể nướng hoặc hấp tùy theo yêu cầu của thực khách. Thử đi nhé các bạn của tui, không phải ở đâu cũng được ăn “cá thần” như ở Pù Luông đâu.

5. Rau Cải xoong

Một thứ quà thơm ngon khác mà thiên nhiên ban tặng cho Pù Luông là Cải Xoong. Cải Xoong ở đây không lớn nhanh như thổi và xanh rì như mấy bó rau các bạn hay gặp ngoài chợ. Ở Pù Luông, cải Xoong mọc tự nhiên ở các con suối, khe núi nên màu xanh tươi non, chậm lớn, ăn rất mềm và thơm mùi rau. 
Cải Xoong mọc ven suối nhà chú Ba ở Bản Hiêu
Mình mấy lần đến Pù Luông thường ngủ tại Homestay Mr. Ba ở Bản Hiêu. Đặc thù ở chỗ chú Ba là nằm ngay bên suối Hiêu, cải xoong mọc khắp vườn, khắp suối luôn. Chỉ cần bước xuống chòi, với tay xuống hái là có rau sạch tự nhiên để ăn...các bạn có muốn thử không?

Chỉ cần đi ra Phố Đoàn hay các khu vực khác ở Pù Luông mà không có suối mà xem, Cải Xoong xanh rì vì được tưới đạm cho nhanh phát triển. Tất nhiên, ăn sẽ không bao giờ ngon được như ở suối Hiêu cả đâu.

6. Các món khác

Ngoài các thứ mà mình cho là đặc biêt ở trên, khi đến Pù Luông các bạn có thể chọn thử các món như thịt lợn quay, sườn nướng, gà nướng, gà hấp ống luồng, thịt lợn bản hấp lá chuối,... cũng thơm ngon và mang hương vị rất riêng vì nguyên liệu tươi sống được nuôi trồng tại Pù Luông và cách chế biến nhiều gia vị tại núi rừng.
Vịt nướng, vịt nấu măng chua, lợn bản cuộn lá lốt, cải xoong xào,...
Sườn nướng, vịt luộc, nộm rau chuối rừng,...

Các bạn của tôi, nếu các bạn là tín đồ ăn uống khi đi du lịch thì chắc chắn ẩm thực Pù Luông sẽ không làm cho các bạn phải thất vọng đâu. Hãy tới và thử đi nhé, chúc ngon miệng.

Nếu các bạn chưa có thông tin về cách đi, lịch trình, các điểm tham quan ở Pù Luông, hãy tham khảo các bài sau của mình nhé:

Ăn gì ở Pù Luông

by on tháng 2 27, 2019
Măng ngọt, Cải Xoong, Thịt lợn bản gấp lá chuối,...thèm chưa Bạn chuẩn bị đến Pù Luông và chưa biết có những đặc sản nào để nếm thử? ...
Tôi, 1 mình 1 ngựa giữa núi rừng
Thật không quá khi nói rằng Pù Luông được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được. Sự đa dạng về địa hình, sinh vật, khí khậu và văn hóa khiến cho Pù Luông như ôm trọn trong mình cả một miền Tây Bắc vậy.
Mây trời bên trên, cỏ cây phía dưới

Pù Luông trong tầm chân

Tôi biết đến Pù Luông từ khoảng 2016, khi khắp các mặt báo trong nước và quốc tế phát cuồng với hàng loạt bài review, chia sẻ kinh nghiệm đi Pù Luông của nhiều người nổi tiếng. Tại thời điểm đó Pù Luông hiện lên trong tôi là những cô gái mặc bikini đứng chụp ảnh ở hồ bơi vô cực nhìn xa xa ra núi non trùng điệp. Nếu vậy, tôi nghĩ cũng giống Sapa hoặc Hà Giang, hay bất cứ vùng miền núi Tây Bắc nào của Việt Nam.


Nhưng phải đến khi tôi thực sự ngồi lên chiếc xe máy rong ruổi khắp các nẻo đường từ Bắc Sơn, Lũng Vân (Hòa Bình), cho đến Son-Bá-Mười, Bản Hiêu, Bản Đôn, Kho Mường (Thanh Hóa), thì tôi mới nhận ra Pù Luông kinh ngạc đến nhường nào. Tôi giật mình khi thấy thiên nhiên đã quá ưu ái cho Pù Luông, tạo hóa đã ẩn dấu bao điều kỳ vỹ tại nơi mà chỉ cách Hà Nội có 3-4 tiếng đi xe. Với tôi, Pù Luông như một kho báu để thổn thức chờ đến lần khám phá tiếp theo vậy.

Pù Luông có gì?

Góc cua từ Son - Bá - Mười xuống Pù Luông
Phải nói là Pù Luông đẹp, cái đẹp của Pù Luông vừa đặc thù vừa riêng biệt. Phần nào đó giống như Sapa, Pù Luông cũng có những khoảng rừng nguyên sinh trầm lặng, những ruộng bậc thang nên thơ, những con đèo uốn lượn hay sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Pù Luông cũng có những rặng rúi kỳ vỹ mà mẹ nhiên thiên đã ban tặng như Hà Giang. Nhưng Pù Luông đặc biệt ở chỗ tạo hóa đã xắp sếp tất cả những vẻ đẹp đó lại một chỗ, khéo léo giấu trong đó những hoang sơ, bình dị để ai đến rồi cũng trầm trồ kinh ngạc, khi về thì thổn thức hoặc khi quay lại vẫn thấy  vẫn đẹp, vẫn mới.

Tôi có may mắn khi được đi vào vùng lõi của Pù Luông từ rất nhiều con đường khác nhau. Nếu đi từ Khung Khe qua Bắc Sơn, Lũng Vân (Hòa Bình) thì Pù Luông hiện ra những khoảng rừng già trầm mặc ngút ngàn. Khi đi từ Nà Khao, Lũng Vân (Hòa Bình) qua Son-Bá-Mười thì Pù Luông lại dẫn bạn qua những con đèo hùng vỹ, những thung lũng ngập tràn cỏ hoa, và những rừng nguyên sinh xen kẽ rừng tre, đồi cọ trập trùng. Nếu Bản Hiêu với những ruộng bậc thang như một kho báu dịu dàng ẩn giấu giữa núi rừng, thì Kho Mường lại hấp dẫn bởi vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc nơi thâm sơn cùng cốc. Pù Luông cứ như vậy, đẹp và thu hút một cách khó hiểu.
Rừng tre khu Son - Bá - Mười
Ruộng bậc thang - đặc sản của Pù Luông
Những mái cọ ẩn hiện rất tình, rất thơ
Bản Hiêu mùa lúa chín
Bản Đôn, 1 địa chỉ rất hút khách du lịch của Pù Luông
Và một điều chắc hẳn nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng người dân ở Pù Luông có nét gì đó rất thân thiện, tự nhiên và ung dung tự tại. Có lẽ việc sống giữa đại ngàn tách biệt với thế giới bên ngoài khiến người dân nơi đây được an nhiên hơn, chưa bị tác động nhiều bởi cuộc sống xô bồ như nhiều địa điểm du lịch khác ở Việt Nam. Tôi thấy họ cười nhiều lắm!

Đồ ăn ở Pù Luông cũng dễ gây thương nhớ lắm. Vài lần đến đây tôi đều được phục vụ những món bản địa rất đặc thù, nào vịt Cổ Lũng quay/luộc, cá bỗng nướng lá chuối, măng ngọt xào hay thịt băm hấp lá rừng. Gia vị thì phần lớn đều được trồng sẵn tại vườn, thiếu thứ gì ra vườn đào, hái thứ đó. Xem người dân chuẩn bị đồ ăn mà tôi cảm nhận được sự tươi ngon và lành lặn của từng món vậy. Giá cả phải chăng (hoặc có thể nói là quá rẻ nếu so với Hà Nội hay các địa điểm du lịch khác), gia vị vừa vặn, tươi ngon hết sảy…tin tôi đi, ẩm thực Pù Luông tuyệt lắm.

Tôi sẽ quay lại, chắc chắn!

Khi nhắc đến Pù Luông, tôi nghĩ ngay đến nụ cười. Đó là nụ cười thân thiện của người dân hiền nơi đây, là nụ cười hài lòng của chính tôi khi được thả mình vào thiên nhiên hùng vỹ và sung sướng với những gì mình được nhận. Pù Luông vẫn ở đó, vẫn đẹp, vẫn bí ẩn, và chờ tôi tiếp tục khám phá.

Toàn cảnh Pù Luông

Pù Luông - Tiếng Gọi Từ Đại Ngàn

by on tháng 2 27, 2019
Tôi, 1 mình 1 ngựa giữa núi rừng Thật không quá khi nói rằng Pù Luông được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được. S...

Thầy Bình – người bạn đường thú vị

Tiếp tục với những cơn nghiện núi rừng, tôi lần này đã gầy nghiện thành công cho 1 đồng nghiệp cùng công ty. Anh Bình, một nhân viên kế toán mẫn cán người Hà Nội. Anh Bình hơn tôi 2 tuổi, đang độc thân và là một người, theo tôi nghĩ, là một chàng trai thành phố chính hiệu. Bảnh bao, trắng trẻo (nhiều chị em ở công ty chắc cũng ghen tị với làn da trắng của anh Bình, tôi chắc luôn), thông thạo văn hóa đại chúng Anh Mỹ, fan chính hiệu của dòng phim hack não by Christopher Nolan. Ở công ty, anh Bình ngồi cạnh tôi ở 1 khoang làm việc, có chuyện gì anh em đều nhỏ to với nhau, và tất nhiên, không trừ các câu chuyện về các chuyến đi về với núi rừng của tôi. Nói ngoài chút, anh Bình, tôi và chú em Cường ở công ty hay gọi thân với nhau là “các thầy”, bắt trend theo scandal của thầy C bên Khoa L, ĐH QGHN. 

Tháng 10/2018, thầy Bình và tôi vẫn trong vòng xoay hối hả và nghẹt thở của công ty. Thầy Bình sáng chiều làm bạn với bảng biểu, phép tính và con số, còn tôi thì ngày nào cũng trôi theo các dòng thư tư vấn cho khách hàng. Những lúc rảnh, tôi lại kể cho thầy Bình nghe về các chuyến đi, giới thiệu các bức ảnh núi rừng và chia sẻ các giây phút về với thiên nhiên nó tuyệt vời như thế nào. Tôi bảo đợt tháng 8 em đi Pù Luông với người yêu ngắm lúa xanh rồi, muốn quay về ngắm đợt lúa chín trên ruộng bậc thang 1 lần xem thế nào. Thế là 2 thầy hì hục lên kế hoạch thưởng ngoạn lúa chín ở Pù Luông. Chuyến đi lần đó thời tiết quá ủng hộ lòng người - trời nắng vàng nên những khung hình ruộng bậc thang ở Pù Luông cũng thêm phần rực rỡ. Đợt đó chúng tôi còn gọi nhau là “tráng sỹ”. Sau này tôi mới để ý là thầy Bình rất hợp với tôi trong nhiều khoản, đặc biệt là sở thích đi bụi. Tôi chắc rằng cả thày Bình và tôi đều có chung suy nghĩ rằng “Đi” là khám phá, là trải nghiệm, không chụp hình câu like, có gì ăn nấy, chỗ nào ngủ nấy, chỉ cần có xăng là đi, chỉ cần có đường là đi, mà không có đường trên google maps thì hỏi, không hỏi tiếng Kinh được thì ra cử chỉ để hỏi mà đi, hehe. Thế là khi về, các tráng sỹ lại râm ran các câu chuyện về núi rừng. Việt Nam đẹp thật, đi lần nào cũng nức nở, không thấy chán chút nào. 
Thầy Bình trong chuyến đi Pù Luông ngắm lúa chín cùng tôi

Vì sao Tây Tiến

Tháng 11/2018, các con số và email khách hàng lại khiến 2 thầy chúng tôi muốn đi trốn Hà Nội thêm 1 lần nữa. Cũng vì từ “tráng sỹ” mà thầy Bình nảy sinh kế hoạch muốn Tây Tiến, tức là đi thăm đúng các địa chỉ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Thế là 2 anh em chúng tôi khí thế in hẳn bài thơ Tây Tiến rồi treo quanh góc làm việc để lên kế hoạch đi.

Ban đầu chúng tôi định đi 1 mạch khoảng 4 ngày, đi từ Hà Nội qua Mai Châu, Sài Khao, Mường Lát, vòng về Mộc Châu, Pha Luông rồi quay về Hà Nội. Tuy nhiên nhiều đoạn đường mòn trên google maps có vẻ không khả khi, đoạn từ Mường Lát mà đi tắt lên Mộc Châu chắc chỉ có chó chạy được chứ anh em lái xe máy có mà khóc thét. Hơn nữa, cuối năm công việc bận rộn nên cũng khó mà thu xếp đi dài ngày vậy được. 

Phương án thứ 2 là sau khi đến Mường Lát thì đi tắt qua cửa khẩu Tén Tằn qua nước bạn Lào rồi quay về VN qua cửa khẩu Lóng Sập để leo đỉnh núi Pha Luông. Nhưng anh em không biết là đi xe máy qua cửa khẩu có được về qua cửa khẩu khác không. Nếu không được thì công toi. Chưa kể sang Lào lạ nước lạ cái, xe hỏng giữa đường chỉ có nước vứt xe mà bắt xe về Việt Nam. Thôi, rủi ro quá, bỏ. 

Phương án cuối cùng là chia đôi hành trình thành 2 đợt, đợt đầu đi Sài Khao, Mường Lát, đợt sau đi Mộc Châu, Pha Luông. Hơi mất thời gian, công sức và tiền bạc. Nhưng lại là an toàn và khả thi nhất. Thế là anh em tôi sửa soạn đồ đoàn và khởi hành Tây Tiến lần 1.
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
 

Lên đường

Lại câu hẹn quen thuộc – “5 rưỡi sáng tại ngã tư Lê Văn Lương Hà Đông nhé” rồi anh em chúng tôi phóng về Xuân Mai, Hòa Bình, Mai Châu. Đây cũng là lần đầu chúng tôi qua đèo đá trắng, 1 địa danh khá hot của dân phượt sinh viên. Nhưng anh em chỉ đi qua chụp ảnh sơ sơ thôi, vì không hứng với check in sống ảo cho lắm.
Ngắm Mai Châu từ trên cao, cũng ổn đấy chứ nhỉ
9h sáng, chúng tôi đến Mai Châu thì tạt vào khu bản du lịch bản Lác xem có gì hay ho không. Theo tôi, du lịch Bản Lác mang hơi hướng của cách làm cũ. Tức là có gì trưng nấy, từ đồ ăn, đồ lưu niệm, quần áo dân tộc, tất cả nhứng thứ địa phương đó gom lại 1 chỗ để cho khách tây khách ta trải nghiệm. Về với miền tự nhiên mà hàng quán mọc san sát như chợ đêm phố cổ. Tôi nghĩ chắc hàng Trung Quốc cũng phải chiếm đến phân nửa đồ lưu niệm nơi này. Dù là du lịch cộng đồng, nhưng ở Bản lác tôi thấy hình bóng của các địa điển du lịch đại trà như kiểu Chùa Hương, Bái Đính…Sở dĩ tôi nói là cách làm du lịch cũ tức là cố tạo ra những gì được cho là bản địa, đặc sản rồi hy vọng rằng khách tham quan sẽ thích. 2018 rồi, làm du lịch kiểu này không ổn, tôi nghĩ thế. 
Bản Lác - "The Old Quarter" của Mai Châu đây ạ

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
 
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
 
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người 
Làm 1 vòng quanh Bản Lác thì anh em tôi rút nhanh để di chuyển tới Mai Hịch, tên gọi mới của Mường Hịch (đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người) để ăn trưa. Trước khi đi tôi tạt 1 hàng mua nhanh vài cây cơm lam  nếp để có cái gọi là “Mùa em Mai Châu thơm nếp xôi”.

Tôi tìm thấy 1 cái homestay tại Mai Hịch nên định bụng đến đó ăn trưa nghỉ ngơi. Đến nơi mới té ngửa là hôm đó cả làng liên hoan lúa mới, không có ai phục vụ ở Homestay cả. Bác chủ Homestay còn hào hứng rủ anh em đến chỗ liên hoan làm tí rượu. Thôi xong, anh em tôi nghe đến rượu là chạy mất dép, bèn xin phép cho rửa chân tay nghỉ ngơi tí rồi đi chỗ khác. Đang lúc nghỉ ngơi, nghe thấy tiếng cồng chiêng xa xa thì chúng tôi lần theo đến được Nhà văn hóa xóm. Ở đây bà con đang gõ cồng chiêng tập múa để chuẩn bị liên hoan lúa mới. Bên trên khán đài nhà văn hóa vẫn cách bài trí đậm chất xã hội chủ nghĩa với tượng bác Hồ và dòng chữ Đảng Cộng Sản VNQVMN. 1 không khí thật rộn ràng, nói như các anh bên tuyên giáo là “Mừng Đảng Mừng Xuân”. Nhìn khuôn mặt các bà các chị tập văn nghệ ai cũng rạng rõ, đôn hậu lắm. 
Văn nghệ mừng lúa mới đây
Núi non Mai Hịch cũng nên thơ lắm chứ

Thôi, anh em đói rồi, đi tìm cái ăn đã. 

Từ Mai Châu, anh em xuôi theo quốc lộ 15 đến thị trấn Co Lương thì dừng ăn trưa. Đồ ăn cũng bình dân thôi, vì anh em tôi muốn ăn thật nhanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nhất là không muốn cháy túi giữa đường. Ăn xong làm lon bò húc cho tỉnh táo thì lại xách xe ngược dòng Nam Mã mà đi về hướng 2 nhà máy thủy điện Thành Sơn và Trung Sơn. Kể từ đây, chuyến đi của anh em tôi gắn liền với dòng sông Mã anh hùng. Nói là anh hùng vì từ bé được các thầy cô dạy là sông Mã quê tôi anh Hùng. Sau lớn lên, tự tìm hiểu thì biết thêm thiên anh hùng ca về bộ đội ta bảo vệ cầu Hàm Rồng khỏi máy bay địch bên đôi bờ sông Mã.

Cũng kể từ đây, phong cảnh hai bên đường cứ như 1 bức tranh thủy mặc vậy. Bên trái là dòng sông Mã hiền hòa, bên phải là những rừng tre, luồng tít tắp. Chúng tôi cứ như đi về xứ xở của tre Việt Nam. Tre hai bên đường, ở tận sau lung, tre ngay trước mắt, tre tít trên núi, tre tận khe sâu. Từng đồi tre, khóm tre cứ lần lượt nối nhau, san sát cho đến hết tầm mắt. Hôm đấy trời nắng, xanh trong, thành ra màu xanh của trời, xanh của tre cứ như được dịp lộ hết vẻ rực rỡ để cho chúng tôi thưởng thức. Đường đi trên QL15C có hơi xấu nên chúng tôi đi chậm. Nhưng có sao đâu, cảnh đẹp quá mà, đi chậm mới cảm thấy hết vẻ đẹp đó được. 
Tre sao xanh quá, mây trời cũng xanh
Đoạn qua thủy điện Thành Sơn thì xe của tôi bị thủng săm. Lần đầu tiên đi bụi bị thủng săm. Tôi lọ mọ dắt xe giữa trời nắng độ 1km thì có quán sửa xe, may quá. Xe bị nổ toạc cả săm luôn, thế là thay săm, 30p sau lại lên đường. 

Bắt đầu qua thủy điện Thành Sơn, chúng tôi di chuyển tiếp trên QL15C để tới Thủy Điện Trung Sơn. Lúc này, dòng Nam Mã lại xanh trong lạ thường. Chúng tôi thực sự bất ngờ vì chỉ vài km trước đó thôi dòng sông còn đục ngầu màu cát phù sa, bây giờ lại xanh trong như nước trong khe mới chảy ra vậy. Quả thật là may mắn, tôi nghĩ vậy, thôi trời cho thì cứ hưởng.
Sông Mã đẹp dịu dàng như này mà Quang Dũng lại bảo là "gầm lên..." 

Sài Khao giữa rừng già

Đến tầm 3h chiều, chúng tôi dừng đổ xăng rồi bắt đầu hỏi thăm về đường lên Sài Khao. Người dân cũng chỉ đúng con đường hiển thị trên Google Maps, nhưng kèm theo lời dặn dò rất dễ thương “đường lên trơn lắm, bây giờ lên thì phải ngủ lại, mai mới về được”. Anh em tôi nghe được câu này thì đúng là sét đánh ngang tai. Dự định là đến Thị Trấn Mường Lát ngủ đêm, nếu mà phải ngủ lại Sài Khao thì hỏng bét. Chưa kể trên đó chỉ có vào nhà dân xin ngủ chứ đào đâu ra cơ sở lưu trú bây giờ. Anh em suy nghĩ 1 hồi thì đi đến quyết định…tiếp tục hành quân. Có đâu ngủ đó, có gì ăn nấy, tráng sỹ đã đi là không dừng. Máu chưa???

Từ QL15C, khi chưa đến bản Chiềng Nưa thì rẽ phải đi lên Sài Khao. Đứng từ QL mà nhìn vào lỗi rẽ kia cũng thấy heo hút rồi, đường đất, cao vượt mặt. Trên đường gặp vài anh dân tộc phóng vèo vèo thì anh em tranh thủ hỏi thăm đường ngay. Mấy anh dân tộc cũng dễ thương thật thà lắm, cứ động viên chúng tôi “1 tiếng là tới Sài Khao thôi, yên tâm đi mà, bọn này đi suốt”. Tôi nghĩ thầm: 1 tiếng cho quãng đường khoảng 10km ư? Chứng tỏ đi xe máy nhưng với tốc độ của đi bộ rồi, đắng. 
Đường đi Sài Khao hun hút
Quả đúng không ngoài dự đoán, đường xấu kinh hoàng. Xe nhảy tưng tưng không có lúc nghỉ. Đi được khoảng 15p là hai vai tôi mỏi nhừ, vì phải gồng mình lên thăng bằng cho xe khỏi ngã. Thày Bình vẫn kiên nhẫn theo sau. Trong đầu tôi chỉ cầu trời khấn phật để làm sao hai anh em tôi không bị hỏng xe hay ngã giữa đường. Nếu không giữa chốn hoang vu này biết kêu ai. 
Lên rồi lại xuống
Nhưng đúng là ông trời không lấy không của ai cái gì. Đường xấu thì cảnh lại đẹp, đẹp siêu thực. Cứ đi 1 đoạn tôi lại ngoái lại phía sau phần vì xem thầy Bình còn bám kịp tôi không, phần vì cảnh đẹp quá, ngắm phía trước chưa đủ, phải ngó thêm phía sau nữa. Khu vực này tôi đoán chưa nhiều người đến để khám phá, trên mạng cũng chưa có dữ liệu, phim ảnh gì nhiều nên chúng tôi có cảm giác như là người đi khám phá vậy. Cảm giác thật sướng. Vượt qua đoạn dốc cao ngược toàn đá hộc lởm chởm thì anh em tôi dừng lại chụp ảnh. Từ trên nhìn xuống thấy con đường mình đi thật là…tự khâm phục mình quá. Núi non trùng điệp xa gần. mây trời xanh ngút tầm mắt. Đúng là..gần 1 tiếng hành xác, cũng xứng đáng quá đi mà. Còn nữa, mấy anh dân tộc đúng là thật thà, nói không sai, 1 tiếng là tới, hehe.


Độ 15p sau, Sài Khao dần hiện ra trong tầm mắt anh em tôi. Nhịp thở tôi như bị dừng lại đôi quãng, vì Sài Khao đẹp quá. Những mái nhà nhỏ ẩn hiện trong những tán rừng già. Xa xa còn nghe tiếng chuông tre gắn trên cổ trâu bò đi trong bản. Cái mùi miền núi tổng hợp giữa mùi khói, mùi đất, mùi cây rừng nó quyện vào nhau không lẫn vào đâu được. Chim hót líu lo như thể đón chào 2 tráng sỹ lạc bước vào chốn này vậy. Tôi nghĩ mấy đoạn phim về rừng già trong Hollywood chắc cũng không chân thực và thiên nhiên đến như này được. Mình thật may mắn. 
Sài Khao, chốn thần tiên
Ở Sài Khao, có 1 điểm rất thú vị là người dân thường vô tư thả trâu, bò, lợn đen, gà ra đường. Nhìn mấy em lợn đen béo núc ních chạy tung tăng giữa đường mà tôi lại thấy nơi đây thật bình yên. Chẳng phải nhốt gì, vì có lẽ làm gì có trộm cắp, người dân họ lành quá mà. 
Một điểm chung của nhiều vùng cao phía Bắc là các điểm trường tiểu học. Tức trường Tiểu học của 1 xã sẽ có nhiều điểm trường đặt tại các làng, bản xa xôi để tiện cho các em học sinh không phải băng núi vượt đèo quá nhiều để đi học. Sài Khao cũng vậy. Anh em tôi lên tới cụm điểm trường Sài Khao là biết chắc đã tới trung tâm của bản rồi. Leo lên ngọn đồi phía sau điểm trường, phóng tầm mắt xuống bản và núi non bao quanh mới thấy hết được vẻ đẹp của Sài Khao. Nhắm mắt lại, tôi chợt nghĩ tới câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Cảm giác lúc đó như mình được sống trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Cứ tưởng tượng rằng hàng chục năm trước binh đoàn Tây Tiến với những thanh niên miền xuôi đã lội bao khổ cực lên đây, để rồi vương vấn ra những vần thơ bất hủ. Nay mình cũng trải nghiệm những địa danh đó…thật tuyệt. 
Lợn ...chạy giữa bản tại Sài Khao
Toàn cảnh Sài Khao từ ngọn đồi sau điểm trường
Ngắm nghía 1 lúc lâu, anh em xuống thăm quan điểm trường. Hôm đó là thứ 7, trường nghỉ học nên thầy cô bám bản cũng về Thị Trấn cả rồi, thành ra không gặp được ai, hơi tiếc. Xung quanh khu trường mầm non vẫn có vài em nhỏ chơi đùa. Tôi chạy vội vào 1 nhà dân phía trước trường để hỏi đường xuống, vì Google Maps…chết tươi, cả mạng Mobiphone của tôi lẫn Viettel của thầy Bình. 

Tôi gặp một chủ chủ nhà người dân tộc rất thân thiện. Chú tận tình bảo đây là Sài Khao Tây Tiến rồi đây, đi lên thì khó nhưng xuống Thị Trấn Mường Lát nhanh lắm, vì thẳng đường là xuống. Tôi nghe đến đây mừng húm, vì cứ nghĩ nếu phải tra tấn thêm 1 giờ đồng hồ đường xuống như cũ chắc tôi ngủ luôn ở đây cho lành. Thế là sau khi được chỉ đường, chúng tôi chào tạm biệt chú để lại…lên đường.
Chú chủ nhà dễ mến
Khúc đầu xuống thì đúng là dễ thật, toàn 1 lối đi thẳng. Nhưng đi 1 đoạn thì ôi thôi…ngã rẽ nhiều vô kể. Chưa kể là mỗi lần hỏi đường là lại thêm hoang mang vì…hỏi mấy chị dân tộc không hiểu tiếng Kinh nên các chị toàn cười. Hix, bình thường các chị cười duyên vậy là em xin chụp ảnh rồi đó…nhưng hôm đó trời sắp tối rồi mà anh em vẫn lang thang giữa non ngàn vô lối như vậy nên em chỉ có cắm đầu cắm cổ mà đi thôi. Hẹn các chị lần sau nha. Đường đất càng ngày càng hẹp, chỉ rộng hơn bánh xe một chút. 1 bên là núi, 1 bên là vực nên anh em phải căng mắt ra lái. Thi thoảng tôi phải ới lên “thầy Bình ơi…” để kiểm tra xe người bạn đồng hành của tôi có ổn không. Chỉ cần nghe thấy “Ơi…”thế là tôi đi tiếp. Không dám quay đầu lại vì nhỡ tay là xuống vực ngay. Cũng chính vì cung đường nguy hiểm quá nên không dám dừng lại chụp ảnh nhiều, hơi phí. Phí vì cảnh cung này đẹp quá. Núi non hùng vĩ xa xa, các ngọn đồi ruộng bậc thang trải dài tít tắp, phía trên thì mây trắng lững lờ trôi. Kết thúc đoạn hiểm trở, quay đầu dốc để đổ đèo thì anh em dừng lại nghỉ tay 1 chút. Thày Bình phanh không kịp nên bị trượt bánh ngã, suýt lao thẳng xuống triền đồi. Tôi chạy lại kéo lên thì nghe được tiếng thầy Bình thở phắt ra “may, chưa chết”. Tôi nghĩ thầm… thầy khá quá, chuẩn đồng hành của tôi đây rồi, ha ha. 
Đường xuống chỉ bé như này thôi, quanh co và...nguy hiểm
Góc cua này...đáng để dừng lại đấy chứ

Kể từ khúc cua đó thì anh em tôi lại men theo các sườn đồi để xuống núi. Thời điểm tháng 12, người dân vừa kết thúc mùa vụ nên các mảng đồi chỉ 1 màu vàng của cây cỏ héo khô. Tôi nghĩ mấy cảnh mùa thu vàng trong phim Hàn Quốc cũng chẳng nên thơ được như này. Phải tội cái là tôi vừa ngắm cảnh đẹp, vừa sợ…lạc đường. Nhìn đường cứ vắt vẻo hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, thi thoảng gặp ngã 3 ngã 4 là khóc thầm. Thôi thì đành đi theo hướng từ trên xuống, kiểu j cũng xuống núi, không biết là có xuống đến được Thị Trấn hay không thôi. 
Cứ đi như vậy được tầm 20p thì anh em hét lên  sung sướng vì…thấy đường dây điện rồi. Đi theo hướng đường dây thì gặp 1 bản làng,  anh em tôi biết chắc là nếu có lạc thì vẫn gặp chỗ có người sống rồi, khỏi lo. May sao đi thêm 1 lúc thì xuống thẳng đường bê tông, hỏi thăm người địa phương thì đi thêm khoảng 10p là gặp lại QL 15C…quá thần kỳ. Trước khi xuống QL5C, thày Bình lại phanh gấp và trượt bánh 1 lần nữa. Khổ thân thày, vồ ếch suốt, lấm lem cả áo quần. Rồi anh em cũng thẳng tiến về Thị Trấn Mường Lát. 
Thầy Bình đang vắt vẻo giữa đồi ở Sài Khao


Việt Nam hay Hàn Quốc, hay Châu Âu?

Uống Coffee tại Mường Lát

5h chiều, anh em băng qua cầu Mường Lát để bước vào Thị Trấn thì trời bắt đầu đổ mưa nhỏ. Chạy dọc khắp tuyến phố chỉ tìm thấy toàn các Nhà Nghỉ kiểu “tính giờ” nên anh em đi tiếp với hy vọng tìm được chỗ ngủ nào ra hồn. Cả Thị Trấn có khách sạn Sông Mã là to nhất, thôi, vào. Anh lễ tân xếp cho chúng tôi 1 phòng khá ổn, 2 giường, nhiều cửa sổ view núi rừng và giá rất phải chăng, chưa đến 300k cho 1 đêm nghỉ. Chúng tôi nhận phòng thì trời mưa như trút nước. May quá.

Tắm rửa xong xuôi thì anh em đèo nhau đi tìm chỗ ăn. Lọ mọ mãi ra khu cổng bệnh viện huyện mới có vài quán cơm bình dân. Vẫn order các món đơn giản ăn cho an toàn, và tiết kiệm. Quán cơm hôm đó có 1 chú chó khá ngoan, tôi cho ăn 1 miếng thịt thôi mà ngồi cả buổi dưới chân ngoan ngoãn xin ăn tiếp. Tính tôi thích chó, nhìn con chó này ngoan lại nhớ đến con Ki ở nhà. Nên cho nó cả gần nửa đĩa thịt. Hehe. 

Từ ở nhà, anh em đã định bụng đến quán café Tây Tiến ngay cầu Mường Lát để đánh dấu là đến Mường Lát. Tuy nhiên hôm đó trời mưa nhẹ, quán café Tây Tiến phần lớn là ngồi ngoài trời nên không thích hợp cho lắm. Chúng tôi về lại 1 quán coffee gần khách sạn cho tiện. Ngồi nhâm nhi tách nâu đá ngắm mưa Mường Lát và ngồi nghĩ lại đoạn đường hơn 200km hôm nay đã đi…thật phê. 

Anh em hôm đó còn định tìm 1 quán massage xông hơi nào đó để trải nghiệm cái gọi là “Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Thôi thì ý tứ của bài thơ anh em học lâu rồi nên chẳng nhớ, "trong đêm hơi" hay "phòng xông hơi" thì cũng không khác nhau mấy, cứ tìm quán massage xông hơi là chuẩn rồi. Nhưng khổ, cả Thị Trấn không có chỗ nào có dịch vụ đó cả. Cũng đúng thôi, trước đó vài tháng, mưa lũ còn khiến Thị Trấn bị cô lập về thông tin liên lạc cả tuần. Một vùng xa xôi như này, mở dịch vụ massage thì ế chết. 

Ngồi café 1 lúc thì anh em đi đến 1 cửa hàng tạp hóa mua nước và đồ ăn nhanh cho ngày mai. Khi về khách sạn còn kịp nói chuyện với anh lễ tân khách sạn thêm 1 lúc. Anh hỏi chúng tôi là ai, làm gì, sao lại đến Mường Lát, là phóng viên à, hay nghiên cứu…Chúng tôi giải thích mãi là anh em chỉ định đi chơi trải nghiệm thôi, không có mục đích gì khác. Nhưng nghe chừng anh ấy không tin lắm, mặc kệ. Chúng tôi hỏi kinh nghiệm đi sang Lào thế nào, đi Sầm Nưa ra sao, đi sang bằng cửa khẩu Tén Tằn rồi về bằng Lóng Sập có được không…anh chủ tận tình chia sẻ hết. Anh lễ tân còn nói là từ Tén Tằn đi Sập Bao (Lào) thì không có gì, nhưng đến Sầm Nưa (Lào) thì có gái. Nói xong anh chẹp môi, nháy mắt 1 cái ra điều rất thú vị. Ha ha, chúng tôi  nghĩ bụng có lẽ nào ngày xưa nhà thơ Quang Dũng và đồng đội cũng phải lòng các cô gái ở Sầm Nưa bên Lào nên mới ra câu thơ “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Biết đâu hồi đó các chú các bác mê gái Lào rồi nên còn đâu hồn đâu về xuôi nữa, nhỉ. 

Tối muộn, anh em đi ngủ. Đêm Mường Lát thật tĩnh mịch, thanh bình. 

Thăm hụt nước bạn Lào

Sáng Chủ nhật, anh em dậy làm bát bún bò rồi nhắm thẳng cửa khẩu Tén Tằn. Đoạn đường bê tông khá đẹp, chạy dọc theo dòng sông Mã về hướng nước bạn Lào. Tới nơi, chúng tôi chỉ được mấy anh Biên phòng cho vào chơi khu vực cột mốc thôi, không được giải quyết đi sang nước bạn Lào. Hỏi ra mới biết là nếu đem hộ chiếu thì có thể làm quá cảnh người và phương tiện, tức là đi xe máy sang Lào được. Tiếc quá, biết thế đem hộ chiếu đi có phải là được chạy con xe Wave thần thánh ở nước ngoài rôi khôn. Thôi, đành chụp ảnh lưu kỷ niệm bên Cột mốc biên giới…rồi quay đầu về thôi. Hẹn gặp nước bạn Lào một ngày không xa, trên chính con xe Wave của tớ nhé. 
Tôi, bên cột mốc biên giới cửa khẩu Tén Tằn

Về Hà Nội

Từ Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát, anh em tôi chạy 1 mạch như ma đuổi về Hà Nội. Ai đi bụi bằng xe máy rồi sẽ hiểu. Khi đi thì đi từ từ, ngắm cảnh, chụp ảnh, thưởng thức từng giây. Khi về thì chỉ mong sao về nhà thật nhanh, thật vội. Phần vì người mỏi mệt, phần vì nghĩ nếu kéo dài thời gian đi thì cũng chẳng để làm gì, thà về sớm nghỉ ngơi còn hơn. Về đến Thị Trấn Mường Lát, tôi tạt nhanh qua chợ xem có gì hay ho không. Nhưng xem ra chợ Mường Lát cũng không mang nhiều đặc sắc của vùng cao cho lắm. Tôi chỉ mua ít hạt Mắc Khén, cho có tí quà gọi là miền sơn cước. Sau đó anh em lại xuôi dòng Nam Mã trên QL15C về đến Co Luông để ăn trưa rồi lại phi như bay về. Trên đường, anh em chỉ dừng chân thêm ở Hòa Bình mua ít cam Cao Phong về làm quà, độ 3 rưỡi chiều là đã có mặt ở Hà Nội, kết thúc chuyến Tây Tiến lần 1. Người mệt rã rời, nhưng thỏa mãn, vì trải nghiệm được nhiều thứ. Các tráng sỹ đi làm việc vào sáng hôm sau lại râm ran câu chuyện lạc đường ở Sài Khao hay xuýt xoa Sài Khao đẹp như thế nào…và không quên lên kế hoạch cho chuyến Tây Tiến lần 2. 
Gặp gia đình lợn trên đường về...đố bạn có mấy em lợn?
Chào Sông Mã, chào Sài Khao, hẹn gặp lại nhé -Tây Tiến!


Tây Tiến 1 - Miền Thất Lạc

by on tháng 2 26, 2019
Thầy Bình – người bạn đường thú vị Tiếp tục với những cơn nghiện núi rừng, tôi lần này đã gầy nghiện thành công cho 1 đồng nghiệp cùng c...