Pù Luông - Tiếng Gọi Từ Đại Ngàn

Tôi, 1 mình 1 ngựa giữa núi rừng
Thật không quá khi nói rằng Pù Luông được thiên nhiên ban tặng cho một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được. Sự đa dạng về địa hình, sinh vật, khí khậu và văn hóa khiến cho Pù Luông như ôm trọn trong mình cả một miền Tây Bắc vậy.
Mây trời bên trên, cỏ cây phía dưới

Pù Luông trong tầm chân

Tôi biết đến Pù Luông từ khoảng 2016, khi khắp các mặt báo trong nước và quốc tế phát cuồng với hàng loạt bài review, chia sẻ kinh nghiệm đi Pù Luông của nhiều người nổi tiếng. Tại thời điểm đó Pù Luông hiện lên trong tôi là những cô gái mặc bikini đứng chụp ảnh ở hồ bơi vô cực nhìn xa xa ra núi non trùng điệp. Nếu vậy, tôi nghĩ cũng giống Sapa hoặc Hà Giang, hay bất cứ vùng miền núi Tây Bắc nào của Việt Nam.


Nhưng phải đến khi tôi thực sự ngồi lên chiếc xe máy rong ruổi khắp các nẻo đường từ Bắc Sơn, Lũng Vân (Hòa Bình), cho đến Son-Bá-Mười, Bản Hiêu, Bản Đôn, Kho Mường (Thanh Hóa), thì tôi mới nhận ra Pù Luông kinh ngạc đến nhường nào. Tôi giật mình khi thấy thiên nhiên đã quá ưu ái cho Pù Luông, tạo hóa đã ẩn dấu bao điều kỳ vỹ tại nơi mà chỉ cách Hà Nội có 3-4 tiếng đi xe. Với tôi, Pù Luông như một kho báu để thổn thức chờ đến lần khám phá tiếp theo vậy.

Pù Luông có gì?

Góc cua từ Son - Bá - Mười xuống Pù Luông
Phải nói là Pù Luông đẹp, cái đẹp của Pù Luông vừa đặc thù vừa riêng biệt. Phần nào đó giống như Sapa, Pù Luông cũng có những khoảng rừng nguyên sinh trầm lặng, những ruộng bậc thang nên thơ, những con đèo uốn lượn hay sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc thiểu số của Việt Nam. Pù Luông cũng có những rặng rúi kỳ vỹ mà mẹ nhiên thiên đã ban tặng như Hà Giang. Nhưng Pù Luông đặc biệt ở chỗ tạo hóa đã xắp sếp tất cả những vẻ đẹp đó lại một chỗ, khéo léo giấu trong đó những hoang sơ, bình dị để ai đến rồi cũng trầm trồ kinh ngạc, khi về thì thổn thức hoặc khi quay lại vẫn thấy  vẫn đẹp, vẫn mới.

Tôi có may mắn khi được đi vào vùng lõi của Pù Luông từ rất nhiều con đường khác nhau. Nếu đi từ Khung Khe qua Bắc Sơn, Lũng Vân (Hòa Bình) thì Pù Luông hiện ra những khoảng rừng già trầm mặc ngút ngàn. Khi đi từ Nà Khao, Lũng Vân (Hòa Bình) qua Son-Bá-Mười thì Pù Luông lại dẫn bạn qua những con đèo hùng vỹ, những thung lũng ngập tràn cỏ hoa, và những rừng nguyên sinh xen kẽ rừng tre, đồi cọ trập trùng. Nếu Bản Hiêu với những ruộng bậc thang như một kho báu dịu dàng ẩn giấu giữa núi rừng, thì Kho Mường lại hấp dẫn bởi vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc nơi thâm sơn cùng cốc. Pù Luông cứ như vậy, đẹp và thu hút một cách khó hiểu.
Rừng tre khu Son - Bá - Mười
Ruộng bậc thang - đặc sản của Pù Luông
Những mái cọ ẩn hiện rất tình, rất thơ
Bản Hiêu mùa lúa chín
Bản Đôn, 1 địa chỉ rất hút khách du lịch của Pù Luông
Và một điều chắc hẳn nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng người dân ở Pù Luông có nét gì đó rất thân thiện, tự nhiên và ung dung tự tại. Có lẽ việc sống giữa đại ngàn tách biệt với thế giới bên ngoài khiến người dân nơi đây được an nhiên hơn, chưa bị tác động nhiều bởi cuộc sống xô bồ như nhiều địa điểm du lịch khác ở Việt Nam. Tôi thấy họ cười nhiều lắm!

Đồ ăn ở Pù Luông cũng dễ gây thương nhớ lắm. Vài lần đến đây tôi đều được phục vụ những món bản địa rất đặc thù, nào vịt Cổ Lũng quay/luộc, cá bỗng nướng lá chuối, măng ngọt xào hay thịt băm hấp lá rừng. Gia vị thì phần lớn đều được trồng sẵn tại vườn, thiếu thứ gì ra vườn đào, hái thứ đó. Xem người dân chuẩn bị đồ ăn mà tôi cảm nhận được sự tươi ngon và lành lặn của từng món vậy. Giá cả phải chăng (hoặc có thể nói là quá rẻ nếu so với Hà Nội hay các địa điểm du lịch khác), gia vị vừa vặn, tươi ngon hết sảy…tin tôi đi, ẩm thực Pù Luông tuyệt lắm.

Tôi sẽ quay lại, chắc chắn!

Khi nhắc đến Pù Luông, tôi nghĩ ngay đến nụ cười. Đó là nụ cười thân thiện của người dân hiền nơi đây, là nụ cười hài lòng của chính tôi khi được thả mình vào thiên nhiên hùng vỹ và sung sướng với những gì mình được nhận. Pù Luông vẫn ở đó, vẫn đẹp, vẫn bí ẩn, và chờ tôi tiếp tục khám phá.

Toàn cảnh Pù Luông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét