Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát,…những địa danh đã đi
vào huyền thoại và ghi sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh qua bài thơ “Tây
Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Sau khi kết thúc Tây Tiến lần đầu, tôi và thày
Bình vẫn luôn thổn thức, ngẩn ngơ mỗi khi nghĩ về dòng Nam Mã xanh trong, bản
làng Sài Khao như cổ tích. Anh em tôi quyết định phải hoàn thành cung đường Tây
Tiến như đã định ra. Thế rồi chúng tôi…
Lại về với Tây Tiến
Gần Tết 2019, thày Bình thì bận tối ngày vì thì công
việc kế toán cứ dồn dập với những hóa đơn, báo cáo, cân đối thu chi,…. Còn tôi
thì có nhiều thời gian rảnh hơn. Tranh thủ những hôm nghỉ trưa, tôi lại ngồi lướt
các web, diễn đàn về du lịch phượt thì mới biết rằng…mùa hoa mơ, hoa mận, hoa
đào đang nở.
Tôi bảo thầy Bình là phải tranh thủ đi thôi, đường
lên Châu Mộc (tên cũ của Mộc Châu) với Pha Luông đang đẹp như này, không đi là
có lỗi với thời tiết. Hơn nữa, chỉ có điều kiện thời tiết của tầm giai đoạn này
trong năm thì mới dễ gặp biển mây trên đỉnh Pha Luông. Không đi để đến mùa hè mới
đi thì lấy đâu ra mây mà ngắm nữa. Thầy Bình nghe xong khoái chí thế là gật đầu
cái rụp. Anh em chúng tôi lại chuẩn bị đồ đạc lên đường.
Lần này chúng tôi xác định chuyến đi sẽ còn vất vả
hơn, vì đọc qua các review trên mạng về cung đường đi và leo Pha Luông khá oải.
Thế nên chúng tôi quyết định đi sớm từ trưa thứ 6, sẽ ngủ 2 tối ở Mộc Châu và
dành nguyên 1 ngày thứ 7 chỉ để leo bộ lên đỉnh Pha Luông.
Anh em lại hẹn nhau ở Trung Tâm hội nghị quốc gia. Lần
này chúng tôi đi đi đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, đường rất đẹp và chỉ mất
độ 1 tiếng là đã đến thành phố Hòa Bình. Giữa đường chúng tôi dừng chân ăn
nhanh tại đèo Đá Trắng (Hòa Bình), sau đó thì phóng như bay trên Quốc Lộ 6 về Mộc
Châu để nghỉ tối. Đúng nghĩa là phóng như bay, vì trờ nhá nhem mà cả hai anh em
đều không muốn ngủ lại giữa đường.
Mộc Châu mùa lễ hội
Chắc các bạn đang nghĩ Mộc Châu có lễ hội truyền thống
gì liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số đúng không? Nhưng cái “lễ hội” mà
mình nói lại là một cuộc thi hiện đại được tổ chức lần đầu tiên ở Mộc Châu ấy –
giải chạy địa hình Vietnam Trail Marathon (VTM). Thành ra khi đến nơi khoảng 6r
tối thì rất khó tìm được nhà nghỉ, homestay để thuê…vì các vận động viên chạy đến
từ mấy chục nước đã book hết từ mấy tuần trước rồi.
Loanh quanh chạy đi chạy lại 30p cuối cùng chúng tôi
cũng mò ra 1 homestay tên là Thảo Nguyên, ngay cạnh Rừng Thông Bản Áng. Đến nơi
nhận phòng thì chúng tôi gặp 1 đoàn 30 người đi chạy VTM cũng ở cùng homestay.
Đoàn có 29 người Singapore và 1 anh từ Anh. Mình ấn tượng nhất với 2 cụ người
Sing, 1 người 64 tuổi, 1 người mình nhớ không nhầm thì giới thiệu là 81 tuổi rồi.
Cả 2 cụ sang Việt Nam lần này là để chạy …21km đường núi ở Mộc Châu. Đúng rồi đấy,
21km, 1 cái Half Marathon đấy các bạn ạ! Tối các cụ chỉ ăn uống theo Menu đặt sẵn.
Trước khi chia tay còn hẹn tối nay mình về lại homestay cũ để “have some drinks”
nhé, nhẹ nhàng thôi, toàn Whiskey Single Malt xách tay từ Sing, có mấy thùng
thôi. Cụ 64 còn khoe tớ đi Sapa 5 lần rồi, Hạ Long 2 lần rồi, bây giờ đi chạy
thư giãn 21Km để tận hưởng những vẻ đẹp khác của Việt Nam. Cao hứng, trước giờ
xuất phát, cụ còn vén áo bên trong khoe tớ từng chạy 100Km tại Thái Lan nè.
Anh em tôi chụp ảnh kỷ niệm với 2 cụ |
Mình mghĩ mà phục, mà ghen. Thôi các cụ ơi, cháu
không uống được rượu nên hẹn các cụ về Hà Nội cháu tiếp bia hơi Hà Nội xịn,
5K/cốc to.
Đường đi Pha Luông – thử thách thần chết
Sáng thứ 7, thày Bình và tôi dậy sớm để ăn sáng và
khởi hành đến đồn biên phòng Pha Luông. Từ QL43, đi theo hướng của khẩu Lóng Sập
chừng 15km là đến Chiềng Ve, đoạn rẽ để đi Pha Luông. Bắt đầu từ đoạn rẽ đó là
chúng tôi đã thấy núi non hùng vĩ xa xa kèm với bọt mây lững lờ lưng chừng núi
rồi. Nhìn thấy cảnh đó anh em không khỏi rạo rực và hy vọng khi lên đến đỉnh sẽ
được ngắm biển mây trứ danh trên Pha Luông.
Đến xã Chiềng Sơn, chứng tôi dừng lại tra Google để
rẽ vào Pha Luông thì gặp 2 chú nhóc người bản địa. Giàng, cậu bé người Mông tự
giới thiệu mình sinh năm 2k3, nhanh nhảu mời chúng tôi dẫn đường đi Pha Luông.
Trên các bài review thì chúng tôi được biết là cứ đến đồn biên phòng Pha Luông
là kiểu gì cũng có trẻ con chào mời dẫn đường. Nhưng ở đây lại có người dẫn đường
sẵn nên tôi ok luôn, đằng nào cũng phải thuê, lại đường dẫn thêm 10km từ ngoài
Chiềng Sơn và Pha Luông. Thế là chúng tôi lại lên xe và đuổi theo 2 cậu nhóc
đang phóng như bay trước mặt.
Mây vờn bản Chiềng Ve |
Đi thêm được khoảng 3km thì chúng tôi dừng xe lại và
lặng người đi…vì đường sạt lở, không đi tiếp bằng xe máy được nữa. Lần đầu tiên
trong các chuyến đi bụi tôi gặp cảnh dở khóc dở cười như thế này. Chúng tôi vượt
hơn 200km tới đây, để rồi tới đây lại bó chân như này ư??? Bên trên có mấy anh
bộ đội đang thi công phá núi bằng máy đục. Tôi hỏi bao giờ xong, các anh chỉ
bình thản - độ 1-2 tuần nữa là đường tạm thông. Cái gì cơ? 1-2 tuần nữa? Trêu
nhau ah?
Vực sâu thăm thẳm trăm ngàn thước |
Cái vực này phải vài trăm mét, không có lấy 1 cây
nào mọc ngang, nếu lỡ may rơi xuống thì chỉ có nước “hồn bay thẳng về xuôi” mà
thôi. Tôi nhìn xuống vực đoạn bị sạt lở mà đất đá từ trên cao vẫn đang ầm ầm đổ
xuống…mà ngao ngán.
Tôi bèn hỏi Giàng xem có cách nào vượt qua không, ví
dụ như leo núi, đi bộ,…chứ các anh đến đây rồi, quay về uổng lắm. Giàng bảo:
leo núi cao lắm, các anh không đi được đâu, bây giờ chỉ có đoạn đất mới sạt kia
đang còn thoai thoải, đi bộ qua đó rồi sang bờ bên kia cháu gọi xe ôm cho. Tôi
nhìn kỹ đoạn đất mà Giàng nói thì thấy đúng là có dấu chân thật, nhưng nó dốc gần
đứng! Bên trên thì đất đá vẫn rơi ầm ầm xuống từ đoạn bộ đội thi công. Tôi nhìn
càng sốt ruột rồi hỏi Giàng: có ai đi qua chưa? có nhiều người đi không? Có ai
bị ngã chưa?...1 loạt câu hỏi để tự trấn an rằng “đoạn này phải đi, lỡ rồi”.
Giàng quả quyết là đường thế thôi chứ đi ngon ơ, các anh cứ đi theo em.
Đang nói chuyện thì chúng tôi thấy mấy anh bộ đội ở
trên dừng máy móc. Thì ra để cho 1 toán trẻ nhỏ đi qua. Nhìn các cháu bám dọc
theo đoạn đất sạt lở để vượt qua cái vực, tôi chảy cả mồ hôi hột. Thày Bình và
tôi cứ đứng đó đắn đo phải 15p nữa, vì sợ quá, đi chơi chứ có phải đi để chết
đâu. Tôi cho lăn thử 1 viên đá tảng to bằng cái balo xuống dưới vực, thấy nó
lăn, lăn mãi chưa dừng, đến khi chỉ thấy bé bằng cái chấm đen đen dưới vực mới
thấy không di chuyển nữa. Nhìn thế đủ biết là nếu anh em tôi mà là còn đá
kia…thì khỏi về rồi.
Thêm 5p nữa trôi qua, tôi với thày Bình trao đổi nội
bộ 1 lúc rồi quyết định…“đi”.
Chúng tôi ra hiệu xin mấy anh bộ đội dừng máy,
khóa cổ xe máy, để lại đồ đạc nặng rồi quyết tâm đi qua đoạn vực sạt lở này.
Giàng đi trước, đúng kiểu người dân tộc từ bé đã quen với núi cao vực sâu, cậu
nhóc vừa đi vừa nhảy qua đoạt sạt lở như dạo chơi trong vườn. Tôi theo sau,
không dám lấy điện thoại ra quay vì muốn để cả 2 tay thăng bằng và bám đất đá nếu
cần. Bước dần qua đoạn đất mới sạt lở, tôi bàng hoàng nhận ra là đất nó tơi và
mềm chứ ko cứng như kiểu đường mòn. Thì đúng rồi, đất mới sạt lở và rơi từ trên
xuống, cứng làm sao được. Rồi thế là chân tôi…lún dần xuống, và tảng đất ngay
dưới chân có dấu hiệu…sạt lở. Tim tôi đập từng hồi rất nặng nhọc, tôi còn cảm
thấy nhịp tim đập phá ra cả tai vì lúc đó cảm giác tai như ù đi. Tôi nghĩ chắc
lúc đó cơ thể tiết ra mấy cái chất kiểu adrenalin gì đó nên khiến tôi không còn
là chính mình nữa. Tôi thoáng nghĩ là mình phải cố bước nhanh, thật nhanh, để
chân không kịp lún và đất không kịp sạt lở xuống. Nếu có sạt lở thì mình cũng
đi qua đoạn đó rồi. Cách bờ vực bên kia chừng nửa mét là mỏm đất dựng đứng, đồng
nghĩa với việc tôi phải nhảy. Nếu không quyết định nhanh, đất dưới chân sẽ lại
sạt xuống…và thế là.. “roạt”….
Đất dưới chân tôi sạt thật. Nhưng đó là khi tôi nhìn
lại, vì lúc đó tôi đã vừa kịp nhảy và nằm chỏng vó trên bờ vực bên kia rồi. Hai
giây sau, tôi định thần lại thì mới nhận ra mình vừa…thoát chết.
Bỏ mẹ, còn thày Bình nữa. Tôi nhìn lên thì thấy thày
Bình đang hạ người để lết từng bước qua đoạn đất sạt lở. Năm giây sau, thày
Bình cũng vượt vực thành công. Hai thày bắt tay nhau mừng mừng tủi tủi, bảo
nhau là “vực này không chết chắc sau này sống thọ lắm”, ha ha.
Sang bờ vực kia thì chúng tôi đi bộ tiếp chừng 10p
thì có 2 ông anh xe ôm ra đón. 2 ông anh người dân tộc H’Mông, 1 béo, 1 gầy
nhìn rất thật thà chất phác đèo chúng tôi trên 2 con Wave RSX, còn Giàng chạy bộ
theo sau.
Thú thực, lần đầu tôi ngồi sau xe máy mà biết sợ là
như thế nào. Anh dân tộc thì vừa đi vừa cười to lắm vì vớ được 2 khách sộp. Các
anh chở chúng tôi như này tiền lãi bằng bán mấy con gà cơ mà.
Đường thì hẹp, khúc khửu, đoạn lên cao vượt mặt,
khúc xuống dồn cả thân. Tôi ngồi sau nhiều đoạn phải cắn răng, thở thật mạnh và
đều để trấn tĩnh lại bản thân. Tôi nghĩ, vừa qua vực mà không chết, có lẽ nào lại
ngã xe sấp mặt ở đây thì đen quá. May sao, chúng tôi đến đồn biên phòng Pha
Luông mà vẫn nguyên vẹn. Chỉ hơi choáng và xóc bụng một chút thôi.
Đường lên đồn Biên Phòng Pha Luông |
Bản Pha Luông cũng tình lắm |
View từ cổng đồn Biên Phòng Pha Luông |
Pha Luông nhà ai mưa xa khơi
Đoạn đầu leo Pha Luông khá đơn giản, chỉ là vượt qua
2 quả đồi trọc mọc toàn cỏ. Khúc này anh em tôi có 1 người bạn đồng hành khá dễ
thương – 1 em chó. Em ấy cứ lẽo đẽo theo hết ngọn đồi mới bẽn lẽn dừng lại, chắc
đi xa nhà em ấy quá rồi.
Cùng cười nào :D |
Lên đỉnh đồi thì đi bộ tiếp chừng vài trăm mét thì
đường bắt đầu dốc hơn. Leo lên đỉnh 1 ngọn núi trọc mà người dân đã khai khoang
để canh tác thì có 1 cái chòi để nghỉ. Tưởng nhanh mà cũng hết gần 1 tiếng. Anh
em tranh thủ nghỉ và chụp vài kiểu ảnh. Giàng bảo là mới được ½ đường rồi, cố
lên các anh. Thày Bình và tôi nói với nhau là nếu mới có tí thế này mà được nửa
đường thì dễ quá. Sau này tôi mới biết
là Giàng nói dối để động viên anh em thoi, chứ lúc đó được chừng ¼ quãng đường là
hết.
Lán nghỉ đầu tiên trên đường đi Pha Luông |
Khi đi hết núi trọc thì bắt đầu tiến vào rừng. Giàng
bảo vào rừng thì khó đi hơn, đường dốc và trơn hơn. Tôi không sợ dài, không sợ
dốc, chỉ sợ trơn. Với những chú nặng mông và cao lênh khênh như tôi, lên dốc
thì không sao chứ xuống dốc mà trơn thì đúng là cực hình. Tôi và thày Bình bắt
đầu phải bò để leo lên những đoạn dốc đất cao vút tầm. Đường càng lên cao càng
khó đi vì rừng rậm âm u, ẩm ướt nên trơn trượt, khó đi. Cứ độ 20p là gặp 1 cái
lán bỏ không hoặc 1 đoạn đất trống để nghỉ. Tôi thì vẫn ổn vì trước đó 1 tuần
tôi có chạy 1 vòng Hồ Tây nên thể lực và sức bền cũng được chuẩn bị tí chút.
Còn thày Bình thì có dấu hiệu bị đuối và tụt lại phía sau cùng. Thi thoảng tôi
phải đứng lại chờ cả 5-10p, hoặc gọi thật to “thày Bình êi”…để mong chờ tiếng
phản hồi “Êi” xa xa.
Rừng già Pha Luông |
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa |
Cổng vòm rừng trúc |
Lá Phong rụng trên đường |
Thang này, chỉ có bò lên thôi |
Sau khi đu dây, níu đá xong thì tôi lên đến lán cuối
cùng trước khi lên đỉnh. Tôi ngoảnh lại thì không thấy thầy Bình đâu nữa, gọi cả
chục lần cũng không thấy thưa. Vậy là có 3 khả năng xảy ra: 1 - thầy bị tụt lại
quá xa nên ko nghe gọi, 2 - quá mệt nên không thể trả lời, 3…thầy gặp trục trặc
rồi.
Tôi trượt xuống vài khoanh dốc để gọi thầy nhưng vẫn
không thưa. Lúc này đầu gối tôi đã quá mỏi rồi, nếu xuống dốc ngay sẽ bị chùn
chân và chuột rút ngay lập tức. Không ổn -
tôi nghĩ thầm. Thế là tôi nhờ Giàng chạy xuống để tìm thầy Bình. Vừa
nghe tôi nhờ xong, Giàng đã chạy như bay xuống, mất hút vào cánh rừng già. Đúng
là khâm phục độ dẻo dai của chú nhó này.
Độ 30-40p sau thì Giàng trở lên với khuôn mặt hớn hở
- “anh ấy không sao cả, ngồi nghỉ thôi”. “Vãi thầy” – tôi kêu lên. Tôi ngồi đợi
5p sau thì thấy thầy Bình lết lên đến lán. Thầy bảo bị chuột rút đoạn giữa vách
đá, phải đứng ôm cái thang làm từ thân cây 1 lúc cho đỡ đau rồi leo tiếp. Khổ
thân thầy quá.
Anh em tồi ngồi ăn chút mỳ tôm, trứng luộc ở lán rồi
cũng bắt đầu chạy vượt qua đoạn rừng già để lên đến khu vực đỉnh núi.
Đến đây tôi gần như đã hồi phục thể lực. Bắt đầu
quay phim, livestream đoạn chạy trên đỉnh núi này. Vừa quay vừa hét vang lên…vì
đẹp quá. Tôi đang chạy trên đỉnh núi, phía dưới là đá chen lẫn cỏ cây, phía
trên là trời xanh ngắt với những gợn mây trắng tinh khôi,..còn phía xa xa, là mỏm
mực mà chúng tôi hằng mong ước khi còn ở nhà lên kế hoạch Tây Tiến.
10s, 20s, 30s sau, tôi ra đến mỏm vực thì hỡi ôi, cổ họng tôi như nghẹn lại, trực trào nước mắt. Mây, nhiều mây quá, mây ngay dưới chân tôi, mây bao quanh mỏm núi, mây vờn lên mặt, mây cuộn xa xa, xa tít đến cuối chân trời vẫn là mây. Tôi đang bay, bay trên mây ngàn các bạn ạ. Trời nắng, các mảng màu cứ thế rực lên, tương phản, đan xen vào nhau. Màu trắng của mây, màu xanh của trời, màu đen của núi đá, màu xanh hoa lá núi rừng.
Chuẩn bị lên tới đỉnh núi rồi |
10s, 20s, 30s sau, tôi ra đến mỏm vực thì hỡi ôi, cổ họng tôi như nghẹn lại, trực trào nước mắt. Mây, nhiều mây quá, mây ngay dưới chân tôi, mây bao quanh mỏm núi, mây vờn lên mặt, mây cuộn xa xa, xa tít đến cuối chân trời vẫn là mây. Tôi đang bay, bay trên mây ngàn các bạn ạ. Trời nắng, các mảng màu cứ thế rực lên, tương phản, đan xen vào nhau. Màu trắng của mây, màu xanh của trời, màu đen của núi đá, màu xanh hoa lá núi rừng.
Tai tôi ù đi, đứng hình như mấy cảnh slowmotion khi
nhân vật bị bom nổ gần kề trong phim hành động ấy. Phải độ 1p sau tôi ms nghe
thấy tiếng hò rú của Giàng to dần…Trời ơi, đẹp quá, hú hú hú…Giàng vừa chạy vừa
nhảy tung tăng khắp mỏm núi. Cháu nó bảo là đi dẫn khách nhiều nhưng chưa hôm
nào đẹp như thế này. Tôi mỉm cười, thế là mình cũng may mắn đấy chứ.
Thi thoảng mây cuộn ra xa để lộ núi rừng bên dưới mỏm
vực. Tôi nhìn theo, bên kia vực là nước bạn Lào rồi, nhìn xa xăm chếch về hướng
Đông Nam chắc hẳn phải là Sài Khao, Mường Lát, Thanh Hóa – địa danh mà chúng
tôi đã đi qua trong lần Tây Tiến đầu tiên. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng cảnh
men theo dòng Nam Mã về đến Sài Khao. Khi đấy tôi đã tưởng tượng dãy núi xa xăm
kia là Pha Luông. Để rồi hôm nay tôi lại đứng ở trên này, đánh mắt xa khơi và
tưởng tượng lại Sài Khao, Mường Lát. Các bạn biết cảm giác nó khó tả như thế
nào không. Kiểu như tổng hòa của nhiều thứ cảm xúc trừu tượng bên trong cơ thể ấy.
Cảm giác của sự thỏa mãn khi chinh phục được các cung đường, cảm nhận được dòng
chảy lịch sử cuồn cuộn từ trong tim, cảm giác bé nhỏ trước thiên nhiên, cảm
giác tự hào về đất nước. Và trong giây phút ấy, tôi bỗng dưng thấy yêu và muốn
yêu. Tôi yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất tôi đến, yêu gia đình và người
thân. Tôi yêu chính bản thân mình, trân trọng từng giây phút hít thở không khí
này vậy. Đi bụi lãi quá, các bạn nhỉ?
Sau đó tôi cũng chạy loanh quanh mỏm núi để tiếp tục
ngắm mây. Trời ạ, nhiều mây quá, biển mây trong truyền thuyết là đây chứ đâu. Đẹp
quá, trời ơi, cảm ơn trời, đẹp chết mất.
Sau những phút đứng hình vì cảnh đẹp, tôi ngoảnh lại
để tìm thầy Bình thì vẫn thấy thày đang lết trên những bậc cuối cùng lên mỏm
núi. Thì ra thầy lại bị chuột rút thêm lần nữa…khổ thân người anh em của tôi.
5p sau thì thầy Bình cũng lên tới đỉnh. Nhìn khuôn mặt
thầy rạng rỡ, kiểu cũng rưng rưng nước mắt như tôi là đủ hiểu. Vì Pha Luông đẹp
quá mà, lại đúng hôm thời tiết đẹp nữa. Tận hưởng đi, đời người có mấy dịp như
này đâu người anh em.
Sau khi để thầy Bình có không gian riêng tự tận hưởng
mây ngàn hút tầm mắt, tôi rủ thầy Bình và Giàng đi chụp ảnh chung. Mặt ai cũng
rạng rỡ, cười toe toét, phấn khởi. Theo chân chúng tôi từ lán trại lên đỉnh núi
còn có 1 em chó nữa. Ngày nào em ấy cũng “trekking” từ chân núi theo chị bán
hàng lên đỉnh núi…quá khủng. Thế là tôi bế ẻm lên chụp ảnh cùng, 4 thành viên
đoàn leo Pha Luông lên đỉnh thành công. “Say cheese” nào.
Đồng chí, chúng ta tới đỉnh rồi |
Mây cuộn dưới chân |
Đoàn leo núi tới đích thành công, cười lên nào |
Xuống núi không đơn giản
Như tôi đã nói ở trên, tôi thừa nhận mình rất sợ xuống
dốc, nhất là đường trơn. Mà Pha Luông thì chỉ có dốc và dốc. Lại còn là dốc đất,
đất sét trơn trượt. Nên đoạn xuống, đối với tôi, là 1 cực hình và nguy hiểm đến
sức khỏe và tính mạng hơn là lúc leo lên.
Dọc đường tôi cứ hỏi dò Giàng là liệu xuống núi mất
bao lâu. Lúc leo lên, tính cả thời gian chờ thầy Bình cũng hơn 3 tiếng rồi.
Giàng bảo xuống chỉ 1h thôi, nhanh lắm, chạy xuống cũng được. Giàng ơi…em bé
con thế chạy xuống còn được, anh mày to như hộ pháp thế này, lại sợ nhất là
trơn trượt…thôi anh bò xuống em ạ.
Đúng nữa luôn, tôi vs thầy Bình phải bò xuống thật.
Chỉ khoảng 1 tiếng rưỡi từ lúc trên đỉnh xuống hết khu rừng rậm mà tôi tưởng tượng
như là cả ngày trôi qua vậy. Mệt mỏi và sợ hãi. Những đoạn dốc ngược lên mà khi
leo lên tôi đã hãi rồi, bây giờ lúc xuống quả thật là kinh khủng. Thầy Bình trượt
ngã phải dăm bảy lần. Có đoạn trượt dài cả chục mét, tôi phải bám thân cây rồi
đưa tay níu thầy lại, không thì chắc thầy lăn xuống núi mất. Cứ thế, hơn 1 tiếng
đồng hồ trôi qua trong sự tập trung và căng cứng. Chúng tôi đã xuống qua đoạn rừng
rậm.
Vừa qua đoạn rừng thì tôi thấy ở cái lán nghỉ đầu
tiên thấp thoáng có mấy người đứng chơi. Dọc đường còn gặp mấy thanh niên đang
gù balo trekking lên nữa, chắc là họ cắm trại ngủ đêm trên đỉnh núi luôn. Đến gần
mấy thanh niên thì tôi nhận ra chính là 2 anh người H’Mong đã chở tôi từ điểm sạt
lở vào đồn biên phòng. Các anh gạ có đi xe ôm về không? Khi đấy tôi và thầy
Bình thảo thuận nhanh với nhau và cân đối thời gian, sức lực rồi đưa ra quyết định
là sẽ đi xe ôm về đồn biên phòng. Làm giá và chốt.
Khi lên thì đi đường dốc, trơn và nhiều đoạn xe
không đi được. Như vậy đi xuống sẽ đi đường khác. Anh lái xe của tôi cứ động
viên với cái giọng kinh ngòng ngọng: “nhanh lá, hai mây phúc thôi mà” (ý là:
nhanh lắm, 20p thôi). Tôi tự tin và thở phào leo lên xe. Vậy là sắp đc xuống
núi thảnh thơi rồi.
Nhưng không, đi xe máy xuống núi ư? Nó không thanh
thơi 1 chút nào đâu. Tôi bắt đầu được trải nghiệm cũng cung đường, đúng là có
mơ tôi cũng không dám đi. Đường đất sét 100%, đồng nghĩa với việc rất trơn trượt.
Lại bị xe giày xéo nên có những cái rãnh rất nguy hiểm. Chưa kể là đi vọt qua
các đỉnh đồi, tụt xuống các khe chỉ trong gang tấc. Có đoạn đường chỉ bé vừa
đúng 1 bánh xe, lại chênh vênh giữa đồi và vực. Tôi phải nắm chặt 2 tay vào tay
vịn phía sau xe. Răng phải nghiến chặt lại, thở thật mạnh và đều…cho đỡ sợ.
Không dám nhắm mắt lại các bạn ạ. Vì nếu nhắm lại, lỡ có trục trặc gì thì sao
biết trước để mà nhảy khỏi xe. Cứ như vậy, 20p trôi qua đối với tôi như cực
hình. Tôi đoán là các hóa chất, hoạt chất hay hormone gì đó trong não bộ phải
thi nhau tuôn ra tung tóe. Adrenalin lúc đó chắc đủ để biến tôi thành Captain
America mất. Đang thở phì phò thì tôi mới để ý có mùi rượu phảng phất. Tôi hỏi
anh lái xe: “anh uống rượu à”. Anh cười phá lên: “đúng zồi, thằng nài mới uốn
diệu xong, uốn xong ms lái được, mà yên tâm đi, thằng nài uốn diệu lái chuẩn
lám!”
Nghe xong câu đó thì tôi lặng cả người đi. Tôi sợ, sợ
chết, lần thứ 2 trong hành trình này, tôi thấy sợ chết. Lần trước là khi đi bộ
qua điểm sạt lở, lần này là giao phó mạng sống cho anh xe ôm người H’Mong…đang
say rượu. Sau tôi nghĩ, phải chăng là phải uống rượu mới đủ can đảm để đi xe
máy trên cung đường này???
Chỉ 20p thôi, nó làm tôi thấy trân trọng mạng sống đến
như thế nào. Hóa ra, leo đỉnh Pha Luông cũng không thử thách thần chết bằng việc
ngồi sau xe mấy anh dân tộc các bạn ạ.
Xuống đồn biên phòng, xuống đến nơi đã thấy Giàng về
trước rồi. Chú em giỏi quá, chạy đường núi như anh chạy thi 100m vậy. Phục!
Chơi thêm với tử thần
Chia tay đồn
biên phòng, chúng tôi lại lên xe ôm để di chuyển đến điểm sạt lở. Lại 30p nhảy
tưng tưng trên xe máy. Đoạn này tôi đã nói chuyện và thân hơn với anh xe ôm người
H'Mong. Tôi kể lại đoạn trò chuyện vui sau (đã viết lại theo đúng chính tả tiếng
Việt) để hầu các bạn:
Anh lái xe: Bạn lên đỉnh có thấy gì không?
Mình: Mây, nhiều lắm, đẹp lắm anh ạ.
Anh lái xe: Mây thì có gì đâu, thế có thấy gái Lào
không?
Mình: Không, hy vọng lần sau thấy. Anh thấy gái Lào chưa, đẹp
không?
Anh lái xe: Thằng này thấy rồi, đẹp lám, mông to lám.
Thằng này có vợ rồi chứ không là sang lào bắt vợ rồi – nói xong anh cứ bật lên
cười kiểu khoái trá lắm.
Tôi cũng không
thể nhịn nổi cười. Cứ thế 2 anh em nói cười sảng khoái suốt cuộc hành trình.
Anh còn hỏi mình nặng bao nhiêu, có đến 90kg không. Mình bảo em chỉ đc hơn tám
chục thôi. Thế là anh cao hứng nói: "bằng luôn con lợn hôm nọ mình chở,
nhưng nó khó đi lắm vì cứ loằng ngoằng, bạn ngồi yên nên chở dễ hơn". Ha
ha, tôi nghe mà cứ cười mãi. Yêu cái sự hồn nhiên của các anh quá mất thôi.
Nửa giờ sau thì
chúng tôi đến điểm sạt lở. Tôi và thày Bình xuống xe để chào tạm biệt 2 anh lái
xe vui tính. Các anh còn nán lại để chờ chúng tôi đi qua nữa. Người đâu mà hiền
lành tốt bụng thế chứ.
Tôi lại hỏi anh thợ đang sửa đường thì biết
tin sét đánh - đoạn sạt lở đã quá dốc,
không thể đi được nữa! Anh thợ còn vui vẻ nói thêm - các em chờ 2-3 ngày nữa tạm thông đường rồi đi, hoặc leo qua núi đi!
Hix, mình nghĩ thầm rồi nói luôn- anh ơi, đến mai thôi là bọn em chết với sếp rồi,
còn định mấy ngày thi bọn em bị đuổi việc hết mất. Xong anh còn hướng dẫn là đi
leo tắt qua ngọn đồi đi, dân tộc vẫn đi đấy.
Tôi tái mặt quay sang
hỏi anh lái xe của tôi - còn đường nào khác không các anh, không về hôm nay thì
bọn em chết. Anh cứ cười cười ( chắc vẫn phê rượu) bảo - thôi ngủ lại với bọn
anh cho vui, hề hề.
Tôi vẫn giữ nét
nghiêm túc và hỏi lại - anh ơi còn đường nào không, cứu bọn em chứ h kẹt ở đây
là chết, a giúp bọn em với, dẫn em đi qua núi đi anh ơi.
Rồi a bảo - cho
xin ngụm nước cái, uống rượu xong khát nước quá.
Ok, nước có nước.
Thế là chúng tôi được dẫn đường leo núi để đi vòng qua đoạn sạt lở.
Lần này là leo trèo thật sự, không bậc thang, không
lối mòn, leo và trèo - đúng nghĩa. 2 anh dân tộc mỗi người kèm tôi và thầy
Bình. Tôi bảo thầy Bình phải đội mũ bảo hiểm vào, lỡ có ngã thì vẫn bảo vệ được
cái đầu.
Đoạn đầu là rừng trúc, lá rụng đầy mặt đất, phải lấy
tay gạt lá ra để lấy lối mà bò, trườn lên. Dốc, quá dốc, nếu không muốn nói là
gần như dốc đứng. Mặt tôi có lúc còn chạm cả chân của anh dân tộc đi trước. Tay
tôi thì rách lởm chởm tứa cả máu vì bám vào lá rễ cây để đu người lên. Leo, leo
mãi, tôi cảm giác phải mấy ngày trôi qua vậy. Từng giây trôi qua dường như như
lâu hơn cùng với tiếng đập thình thịch của tim cứ vang dồn dập trong đầu. Khó
thở, thiếu oxy, tôi bắt đầu cảm thấy muốn
nôn khan - 1 trạng thái khi bị kiệt sức. Cái cảm giác đáng sợ đó dân quay lại,
lần thứ 3 - sợ chết. Tôi sợ vì chỉ cần 1 cú trượt chân hoặc đất tơi không bám
chân thôi...là đi tong. Vực sâu thế kia, sống sao nổi. Chưa kể tôi đã sợ đi xuống
dốc rồi, dốc đứng như này bò lên đã khó, xuống sao nổi đây.
Rừng sim che khuất người đi |
Tôi cứ hỏi dồn anh dân tộc là - anh ơi sắp lên đỉnh
chưa, bao h xuống, đi chậm thôi không bọn em ngã.
Vẫn là những câu động viên chân thành kết thúc bằng
chữ "mà". "Sắp tới rồi mà, đừng lo mà, cứ đi đi mà". Hix,
anh đáng yêu thật, nhưng em đang sợ chết quá anh ơi, sợ chết, là sợ chết đó.
15p sau lên tới đỉnh núi, bắt đầu đi xuống. Lại phải
hạ người mà trượt xuống. Dốc quá! Được 1 đoạn thì ko thấy có lỗi nào để đi nữa
cả. Thấy anh dân tộc nhảy phắt lên cái cây bị chặt đổ giữa đường thì tôi mới hiểu
chuyện - chúng tôi phải leo qua cái cây đó mới đi tiếp. Ok, leo thì leo, chân
tay dài để làm gì cơ chứ. Tôi leo lên xong thì mới ngớ người ra...cái cây chỉ bị
chặt phần ngọn thôi, thân cây vẫn còn, và đường xuống duy nhất là tụt xuống cái
cây. Quả này đúng là “gắt” thật sự. Ông trời cho anh em tôi đi ngắm mây 1 bữa đẹp
quá đẹp. Nhưng đặt ra thử thách nhiều quá ông trời ơi.
Tôi mạnh dạn lò dò 1 chân xuống trước để tựa chân
vào cành rồi từ từ trườn xuống. Cứ tuần tự chân trái – phải – trái như vậy. Độ
5p sau là xuống đến gốc cây rồi. Tôi nhìn lên thấy thầy Bình cũng đang vắt vẻo
trên cây. Mặt thầy đỏ bừng, vẻ khó chịu lắm, chắc vì mệt quá, đường đi quá “thổ
tả” mà.
Trèo cây để xuống núi, trông anh em tôi giống 2 con khỉ không, ha ha |
Xuống đến hết cây thì trườn tầm chục phút nữa là xuống
đến bờ bên kia của điểm sạt lở - nơi chúng tôi để xe lại ngày hôm qua. Anh em
tôi tay bắt mặt mừng, vui quá, sống mất rồi. Ha ha. Chúng tôi gửi thêm cho 2
anh dân tộc ít tiền coi như cảm ơn rồi chụp ảnh chia tay thắm thiết lắm. Sau nếu
quay lại, chắc chắn tôi sẽ tìm gặp anh để cảm ơn làn nữa – “ân nhân cứu mạng”.
Cám ơn 2 người anh em H'Mông tốt bụng nhé |
Đêm Mộc Châu
Chúng tôi liên hệ 1 homestay có trang khí và không
khí khá hay ho. Tới nơi thì trời xẩm tối. Nhưng cố vấn đề là hôm đó chỗ này
đông quá. Toàn người đi chạy VTM về liên hoan, lửa trại om sòm cả tối. Tôi với
thầy Bình thì không còn tâm trạng đâu vui chơi cả, chỉ mong ăn uống cho sớm rồi
đi nghỉ thôi. Ngủ sớm cho lại sức, mai còn về Hà Nội. Đêm thứ 2 ở Mộc Châu đơn
giản vậy đó.
Đêm Mộc Châu ồn ào |
Hoa mơ hay hoa mận |
Quả mận hay quả mơ? |
Chè Mộc Châu
Trước khi về tôi hỏi thăm anh chủ homestay xem Mộc
Châu còn chỗ nào hay ho không. Anh bảo là nên trải nghiệm đồi chè và uống thử sữa
ở trang trại bò sữa ở Mộc Châu trước khi về. Cũng tiện đường về trên QL 6 nên
anh em tôi đồng ý đi luôn.
Ở Mộc Châu nổi tiếng có đồi chè trái tim. Tuy nhiên
địa điểm đó cách QL6 gần 20km, cả đi về mất 40km nên chúng tôi quyết định ko đi
nữa. Tôi nghe nói ở Thị trấn nông trường Mộc Châu có đồi chè còn nhiều chè hơn đồi chè trái tim. Thế
là vặn ga thôi.
Đi vào đến đồi chè ở Thị Trấn Nông Trường thì đã thấy các
hàng quán bán và giới thiệu sản phẩm chè la liệt hai bên đường rồi. Anh em tôi mặc kệ,
phóng một mạch qua khu đó rồi đi
sâu vào khu đồi chè. Tôi ngẫu hứng tạt vào con đường đất bên đường rồi men theo
đồi chè để lên đỉnh đồi. Tắt máy đi bộ lên đỉnh đồi và tôi cũng phải đứng hình
mất vài giây...vì những đồi chè cứ san sát nhau kéo dài đến hết tầm mắt. Xanh,
1 màu xanh ngắt lá chè. Thật là tuyệt. Đúng là khi đứng trước những cái gì to lớn vĩ đại, con người
ta thường thấy nhỏ bé hơn. Chúng tôi lạc trên đỉnh đồi chụp ảnh rồi đi xuống để
vào thăm nhà máy chè mộc châu. Sở dĩ tôi định vào đó vì đó là cái biển hiệu to
rõ ràng nhất tôi thấy từ
đỉnh đồi chè mà thôi.
Đợt đó không phải mùa thu hoạch và sản xuất chè nên
công ty nghỉ và chỉ bảo dưỡng máy móc thôi. Chúng tôi bèn chạy vào quầy bán và
giới thiệu sản phẩm của Công ty chè Mộc Châu để thăm và mua ít chè về làm quà Tết.
Đồi chè ở Thị Trấn Nông Trường Mộc Châu |
Ong đậu hoa chè |
Mua trà xong thì anh em tôi nhắm Hà Nội thẳng tiến.
Dọc đường chỉ dừng lại đổ xăng và ăn trưa ở Đèo Đá trắng thôi. Lại thịt nướng, cơm lam và trứng
luộc. Tôi còn mua ít cơm lam về
làm quà nữa, bạn gái tôi thích cơm lam lắm. He he.
Bao giờ Tây Tiến
Trên đường về, anh em bảo nhau thế là xong Tây Tiến rồi. Không biết tối về có mơ thấy dòng Nam Mã xanh ngắt không, có thấy núi Pha Luông sừng sững trên biển mây không.Nghe đâu sau khi khánh thành Thủy Điện Trung Sơn, con đường QL15C từ Mai Châu đi Sài Khao sẽ ngập hoàn toàn trong hồ thủy điện. Như vậy, con đường Tây Tiến năm nào sẽ chỉ còn trong truyền thuyết mà thôi. Nghĩ đến lúc đó thôi, đã thấy tiếc rồi. Không biết đời người có được Tây Tiến lần nữa không? Có được Tây Tiến "trọn vẹn" như thời trai trẻ này nữa không?
Bao giờ thì 2 chiếc xe này lại lên đường đây? |
Tây Tiến 2 - Bay Trên Mây Ngàn
by
Son
on
tháng 3 21, 2019
Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát,…những địa danh đã đi vào huyền thoại và ghi sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ học sinh qua bài thơ “Tây T...